Voi trong tâm thức người đồng bào Tây Nguyên là con vật linh thiêng. Trong dịp Tết đến xuân về, người Tây Nguyên lại tổ chức cúng voi, cầu mong voi thêm sức khỏe để chung sống chan hòa với con người.
Phần thưởng của voi sau lễ cúng là những bó mía, lá chuối rừng... |
Người M’Nông, Ê Đê… kể rằng, từ xa xưa, những gia đình nào trong buôn làng Tây Nguyên sở hữu voi hiển nhiên nhận được niềm vinh dự lớn lao và có tiếng nói quan trọng trong các buổi lễ, họp buôn làng.
Tập tục cúng voi của người dân Tây Nguyên đều có chung ước muốn cầu voi nhiều sức khỏe, sinh sản thuận lợi và mong bà con thêm trân trọng, bảo vệ voi nhà. |
Tập tục cúng voi của người dân tại huyện huyện Lắk, Buôn Đôn – những địa phương có đàn voi nhà lớn nhất tỉnh, được tổ chức từ bao giờ không ai biết nhưng theo ông Y Mứ Bkrông - nài voi có tiếng tại vùng hồ Lắk - lễ cúng voi dù xưa kia hay hôm nay đều chung ước muốn cầu voi nhiều sức khỏe, sinh sản thuận lợi.
Thầy cúng xát muối, huyết vào đầu voi, chúc voi năm tới thêm sức khỏe. Theo tìm hiểu, lễ vật trong lễ cúng voi thường mang đậm bản sắc dân tộc như ché rượu cần, đầu heo, chuối, gạo, huyết, mía... Ngày cúng voi thường được tổ chức sau những ngày lễ lớn hoặc khi mùa màng của dân làng đã tươm tất. |
Cuối năm, chúng tôi có mặt tại một buổi lễ cúng voi của gia đình nài voi Y Mứ. Khi dân làng cùng nài voi đã tề tựu đông đủ, thầy cúng tế trong trang phục truyền thống, đầu đội khăn nhung đỏ, đứng trên sàn cao, miệng khấn thầm mong thần linh phù hộ cho đàn voi nhà, cầu các nài voi luôn có sức khỏe tốt để chăm sóc, làm bạn bên voi...
Bài khấn của thầy cúng hoàn tất, voi nhà lần lượt quỳ chân xuống để thầy cúng xoa gạo, huyết heo lên đầu voi.
Để thưởng cho voi trong một năm vất vả cùng con người, chủ voi lục tục vác bó mía, từng nải chuối rừng để voi ăn ngon lành.
Theo H.L (LĐO)