Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tết muộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cô học trò cũ vừa nhắn tin cho tôi với nội dung sẽ tổ chức Tết muộn cho cả nhà. Tết muộn không có gì ngỡ ngàng với những người ở khu cách ly trở về. Cái Tết đặc biệt vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và cô ấy muốn tri ân những người đã giúp đỡ gia đình mình trong thời gian thực hiện cách ly.
Minh họa: Internet
Minh họa: Internet
Cũng vài ba cành đào nho nhỏ, chiếc bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành. Và, trong mâm cỗ của cái Tết muộn có câu chuyện kể về tình người trong mùa Covid.
Đó là chuyện về gia đình nọ có chồng là bộ đội, vợ là bác sĩ. Công việc được xã hội phân công, nghề nghiệp do mình lựa chọn và ai cũng muốn cống hiến sức mình cho xã hội. Dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ, chồng là bộ đội thực hiện lệnh cắm trại trực 100% quân số tại đơn vị, vợ là bác sĩ thực hiện lệnh phong tỏa vì tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Tối hôm ấy, 2 đứa con nhỏ ngủ nhờ nhà hàng xóm. Trưa hôm ấy, đứa anh vỗ về đứa em rằng đừng khóc, mẹ sắp về rồi.
Đồng nghiệp của 2 cơ quan đã kịp thời cử người giúp đỡ gia đình có 2 đứa nhỏ, xã hội cùng chung tay và đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Chiếc bánh mì cho người ở khu cách ly, lốc sữa cho sắp nhỏ ở địa phương, nhìn mà ấm áp xiết bao.
Trong mâm cỗ của cái Tết muộn, người chồng ôm vợ và đứa con nhỏ chưa đầy tháng mà nghẹn ngào vì anh không có mặt kịp thời để đón đứa con chào đời, cho dù anh đã sắp xếp công việc từ bao ngày trước nhưng hành trình về với vợ lại dở dang chỉ vì trên chuyến xe có người trong đối tượng nghi ngờ mang dịch Covid-19. Mâm cỗ Tết có muộn nhưng tất cả đã bình an thì cái Tết vẫn nguyên vẹn ý nghĩa của sự sum vầy.
Dịch Covid-19 xảy ra, cả xã hội sẻ chia những khó khăn của nhau, toàn dân đồng lòng trong trận chiến chống dịch bệnh. Tết muộn nhưng xuân mãi níu giữ trong lòng nhau.
THUẬN ÁNH

Có thể bạn quan tâm