Thời sự - Bình luận

Tết trong lòng người Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tết đến, có người được về quê ăn Tết, có người ở yên nơi thành phố làm việc phòng chống dịch, có người mãi mãi không được về thêm cái Tết nào. Lặng ngẫm chuyện năm cũ để hy vọng, yêu thương cho một năm mới sắp đến. Và tự hào, người Việt kiên cường.

Tết tới nơi rồi, nhẽ không nên nói chuyện buồn, nhưng quả là không thể không nhắc tới những người còn nằm lại ở Rào Trăng, ở Trà Leng cái đận lũ và lụt gây lở và sập núi vừa qua. Tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đều thể hiện những quyết tâm rất lớn để đưa về an táng những người xấu số còn nằm lại ở nơi 2 địa danh mà năm vừa qua đã trở thành nỗi đau khủng khiếp ấy, nhưng chưa thể bởi thời tiết rất xấu. Thừa Thiên Huế hy vọng phải tới tháng 3 này, đắp được con đập nữa thì sẽ tìm được thi thể 11 người còn nằm lại đấy. 13 người còn ở Trà Leng cũng hy vọng thế. Khi tôi viết những dòng này thì tỉnh Quảng Nam bắt đầu khởi động việc đưa lực lượng cứu hộ lên lại Phước Sơn, dẫu Tết đã cận kề.

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác rụng rời khi nghe tin Rào Trăng. Khi ấy tôi vừa bay từ Huế vào Sài Gòn. Trước đấy mấy hôm, nhà tôi giỗ mẹ, chủ tịch huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình và một số anh em cán bộ huyện có tới thắp hương, để rồi 3 ngày sau thì Bình, chàng chủ tịch huyện rất được dân yêu, rất tận tình với dân, người mà sau khi mất đi thì dân tình lại càng thêm một lần xa xót vì anh vẫn ở trong căn nhà xập xệ, lụt tứ bề, quan tài không mang về nhà được, khi ấy mới giữ chức chủ tịch được hơn một tháng, vĩnh viễn nằm lại vì bị núi vùi khi đang cố lên Rào Trăng giải cứu người mắc kẹt.

Nước ta thường xuyên lũ lụt. Phía Bắc thì sừng sững những con đê. Miền Trung và Nam thì nước tuần tự lên xuống, và dân cũng có những cách để thích nghi với bão lũ, mà những cái nhà rường Huế là ví dụ. Nhưng mấy năm gần đây, và nhất là năm vừa qua, những ngôi nhà rường ấy cũng như lá tre giữa biển.

Con người không thuận tự nhiên như ngày xưa, mà có vẻ như muốn đương đầu với tự nhiên. Và tự nhiên càng thử thách con người khắc nghiệt hơn.


 

Nhà mới cho đồng bào vùng bị sạt lở núi xã Trà Leng. Ảnh: TTXVN.
Nhà mới cho đồng bào vùng bị sạt lở núi xã Trà Leng. Ảnh: TTXVN.


Cũng khi tôi ngồi viết bài này thì tỉnh Điện Biên vừa phát hiện 6 ca dương tính với Covid, Hà Giang cũng lần đầu phát hiện, nâng số tỉnh thành có người dương tính lên hơn con số 10. Khi Gia Lai bị cái con virus có cái tên mỹ miều ấy tấn công và bị thủng, nhiều người ngạc nhiên. Giờ đến Điện Biên, Hà Giang lại càng ngạc nhiên hơn. Từ các đô thị lớn, giờ "em" Covid này tấn công tới tận các bản làng vùng sâu vùng xa.

Nhưng ngay hôm sau thì tin vui, 3 ca ở Điện Biên đã âm tính trở lại. Tất nhiên cuộc chiến không dừng ở đó mà vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhưng Chính phủ đã tính toán để ứng biến với chiến lược chiến thuật chống dịch mới.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thông báo, về cơ bản chúng ta đã làm chủ tình hình, khoanh vùng được dịch, cố gắng để tết dân an tâm ăn Tết. Thủ tướng thì chỉ thị: Cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ, vừa chống dịch, vừa phát triển. Thế là rất tự tin, rất am hiểu tình hình. Bởi nếu cứ "kệ" như một số quốc gia thì xã hội sẽ hỗn loạn, đã đành là nó sẽ sàng lọc tự nhiên, nhưng sự lan tràn của virus khủng khiếp như thế nào thì có thể hình dung ra. Còn nếu co cụm lại, nghiêm ngặt để chống/ tránh dịch, thì xã hội sẽ ngưng trệ, dân không chỉ mất tết mà khả năng phải cứu đói rất nhiều.

Và cũng qua đợt dịch này, rồi bão lũ vừa qua, rõ ràng, chúng ta phải nhìn lại mình, xem lại cách sống của mình, điều chỉnh hành vi để... sống chung với virus, sống chung với tự nhiên, với bão lũ... bởi nó là một tồn tại khách quan, cùng với sự sống của loài người, thậm chí có trước loài người.

Nhưng phải nói cho chính xác thế này, trong cái đại dịch Covid mà cả loài người đang phải gánh này, như là sự thách thức nhân loại này, Việt Nam ta là nước cầm cự với nó thành công nhất, kể cả bây giờ, khi nó trở lại và chúng ta đang liên tục có nhiều ca mắc, thì nước ta vẫn có số người nhiễm rất ít, số người tử vong cũng rất ít. Và hiện tại, nước ta vẫn cơ bản kiểm soát tốt, khoanh vùng kịp thời để dịch không lan rộng, phát hiện ở đâu khoanh vùng ngay ở đấy để xử lý, tất cả hệ thống chính trị vào cuộc. Và qua đấy, ta mới thấy thêm, hiểu thêm, cảm nhận thêm cái tinh thần tương thân tương ái, sự chia sẻ giữa con người với nhau, dù chả quen biết gì. Từ bão lũ miền Trung tới Covid, phẩm chất nhân văn của người Việt Nam là một điểm son rất đáng tự hào.

Và thêm một điểm tự hào, ấy là, dịch giã như thế, khó khăn như thế, kinh tế cả thế giới khốn khổ, kể cả những cường quốc, thì Việt Nam ta vẫn là điểm son.

Đọc báo, nghe bạn bè là những chuyên gia hoặc doanh nhân, thấy rằng so với các nước khác, nước ta vẫn... thở được. Và không chỉ thở được, mà vẫn tăng trưởng, vẫn có thể xuất khẩu tốt.

Chịu đựng hai cú nặng là Covid và lũ lụt như thế, mà vẫn tăng trưởng, vẫn tự tin, vẫn ăn nên làm ra thì quả là nước ta có một sức chịu đựng thần kỳ, và vượt thoát cũng thần kỳ.

Không phải chính chúng ta, mà các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một quốc gia hiếm hoi tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới. QUỹ Tiền tệ Quốc tế cập nhật đánh giá GDP giai đoạn 2010 – 2019 cho biết việt Nam đã vươn lên tở rthành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á. Liên Hợp Quốc nâng chỉ số phát triển con người của Việt Nam lên mức cao, cùng nhóm với Thái Lan, Indonesia, Philippines trong khu vực.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dự báo đến 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình, vào 2035, GDP Việt Nam sẽ vượt Đài loan.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam được công ty định giá hàng đầu thế giới Brand Finance tăng 9 bậc so vói năm trướcc, lên vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới do công ty này xếp hạng, và chco rằng Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại Đông Nam Á cho nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư Mỹ.

Tất nhiên, nhìn lại thì chúng ta vẫn còn rất nhiều thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường… Những hoàn cảnh khó khăn vẫn rất nhiều, những nước mắt, những rưng rưng, những thân phận nghiệt ngã... vẫn khiến xã hội nhói lòng.

Và, lúc này cái phẩm chất nhân văn của người Việt xuất hiện.

Những ATM gạo, khẩu trang, tiến lên là sách. Những chuyến xe nối đuôi nhau chở hàng cứu trợ mà chính thủ tướng khi nói ở Quảng Bình cũng rưng rưng: cứ 3 xe chạy ngoài đường có 1 xe chở hàng cứu trợ.

Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 vừa mới đây rất thành công hy vọng sẽ là một cú nhấn nữa để Việt Nam phát triển. Hướng về dân, tất cả cho dân, dân thì vì dân tộc, đoàn kết một khối, hy vọng Việt Nam sẽ ung dung tự tin bước vào năm mới với một tâm thế của những người biết người biết ta, biết cương biết nhu, nhường nhịn sẻ chia và thương người như thể thương thân để chiến thắng và phát triển...

Người Việt mà.



https://danviet.vn/tet-trong-long-nguoi-viet-2021021016063096.htm

Theo VĂN CÔNG HÙNG (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm