Tết Việt

Tết xưa… Tết nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi dịp Xuân về, nhiều người trong chúng ta lại hay có sự so sánh giữa Tết xưa với Tết nay. Hầu hết đều cho rằng, bên cạnh những nét văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn còn được lưu giữ, Tết hiện tại cũng đã có sự đổi thay và biến tấu khá nhiều. Dưới đây là một vài chia sẻ thú vị xung quanh sự khác biệt này.

* Ông Nguyễn Minh Tuấn (thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông): Xưa là “ăn Tết” còn nay là “chơi Tết”

 

 

Có lẽ cá nhân tôi cũng như rất nhiều người khác sẽ chẳng bao giờ quên được những cái Tết của ngày xưa. Tôi là người được “may mắn” sinh ra trong thời bao cấp nên cái Tết thời ấy đã ăn sâu vào trong trí nhớ. Hồi đó, với lũ trẻ con chúng tôi, Tết là được ăn ngon, mặc đẹp, được bay nhảy thỏa thích và được…đốt pháo (!)

Thực ra để mà kể hết về Tết xưa thì dài lắm. Có lẽ chỉ gói gọn trong mấy thứ này: một nồi bánh chưng, một mâm ngũ quả, một cành đào, hai hộp mứt, hai chai rượu chanh và ba bánh pháo. Tất nhiên còn thịt heo, gà, nem, giò… nhưng những thứ này ngày thường thi thoảng vẫn có. Còn những thứ kể trên thì đặc biệt, chỉ Tết mới xuất hiện. Chứ không như bây giờ, thứ gì cũng có, chẳng phải Tết cũng có. Tôi nhớ mãi cái hộp mứt Tết ngày ấy. Đó là cả sự khao khát, thèm thuồng, chờ đợi của lũ trẻ thời bao cấp. Phải đúng giao thừa, sau tiếng nổ giòn giã của bánh pháo được ông anh cả trịnh trọng châm lửa thì mẹ mới khẽ khàng mở hộp mứt. Trong cái vỏ hộp bằng bìa dán kia là những miếng mứt dừa, mứt bí, mứt cà rốt ngọt lịm, là những miếng mứt gừng cay nồng, là những hòn bi lạc giòn tan… Tất cả những màu sắc, hương vị ấy đã đánh thức tất cả các giác quan trong tôi, để đến bây giờ vẫn còn nhớ mãi.

Và theo tôi, ngày ấy mới đúng nghĩa của từ “ăn Tết”, còn bây giờ, hình như đã nghiêng về “chơi Tết”. Mặc dù Tết hiện tại có nhiều màu sắc hơn, nhiều "gia vị" hơn, vui và nhiều lựa chọn hơn nhưng cũng dễ làm người ta cảm thấy mệt mỏi vì sự no nê và hình thức. Cái hương vị Tết dần nhạt đi, nhất là ở đô thị.

* Bà Đặng Thị Hoa (tiểu thương tại Trung tâm Thương mại Pleiku): Chợ bây giờ không “nghỉ” Tết

 

 

Hồi còn bé, được đi chợ Tết với bọn trẻ con chúng tôi là một thứ gì đó đầy mê hoặc và thích thú. Trong ký ức ngày ấy, chợ Tết không nhiều hàng hóa như bây giờ, đa số là của nhà làm được đem đi bán. Chợ thường tấp nập từ giữa tháng Chạp đến ngày cuối cùng của năm cũ và nghỉ bán trong 3 ngày Tết. Do đó, nhà nào đi chợ cũng mua sắm rất nhiều đồ ăn, rau-củ-quả, thịt, cá…để trữ dùng dần. Quan niệm “ăn Tết” luôn thường trực trong mỗi người, mỗi nhà, cứ vất vả làm cả năm chẳng dám tiêu pha, gì cũng bảo để dành cho Tết.

Bây giờ, nhịp sống hiện đại kéo theo nhiều thứ đổi thay, trong đó có cả không khí chợ ngày Tết. Các mặt hàng bánh mứt, bia trà…phong phú và đa dạng hơn, được bày bán khắp nơi từ chợ đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ. Nhiều người đã chuyển dần sang kiểu mua ít mà chất lượng thay vì mua nhiều; siêu thị do đó cũng được ưu tiên hơn chợ. Thậm chí một số người còn đặt mua hàng qua mạng internet trên các trang chợ online, người ta giao hàng và thanh toán tận nhà. Mặt khác, theo nhu cầu, tiểu thương chúng tôi không còn nghỉ Tết trọn vẹn mà mùng 2 Tết đã bắt đầu họp chợ trở lại. Hầu hết các quán ăn, nhà hàng, cà phê, khu vui chơi-giải trí…cũng đều hoạt động bình thường để phục vụ khách trong dịp Tết. Cũng chính vì thế mà đôi khi, tôi có cảm giác Tết bây giờ không khác ngày thường là mấy, có chăng chỉ là vội vã, đông đúc hơn một xíu mà thôi. Sự háo hức đợi trông đến Tết có lẽ đã nhạt dần, ngay cả với bọn trẻ.

* Ông Lê Khắc Thiện (tổ dân phố 2, phường An Phú, thị xã An Khê): Tết nay nhộn nhịp hơn hẳn Tết xưa

 

 

Cái Tết nguyên đán năm nay, với tôi có một mốc vui vòng đời là giáp hội Bính Thân, tròn 60 tuổi ta. An Khê trong tôi cũng trở thành quê hương thứ hai bởi ngót nửa thế kỷ gắn bó. Ngày trước, quận lỵ An Túc với đầy rẫy thép gai, rập rình bom đạn nên Tết đến Xuân về chẳng mấy ai hồ hởi, phấn khích đón Xuân. Duy chỉ khu chợ Đồn (nay thuộc phường An Bình) là nhộn nhịp hàng quán ăn theo "khu giải trí" phục vụ cho lính Mỹ. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe ngựa, xe lam 3 bánh và xe đạp.

Những năm đầu giải phóng, An Khê vẫn hằn vết nghèo rồi kéo theo hàng chục năm bao cấp càng làm cho An Khê teo tóp, quạnh hiu. Mãi đến thập niên 90 của thế kỷ XX, khi chế độ tem phiếu "vẫy tay chào", An Khê mới dần dần khởi sắc. Trải qua 30 năm đổi mới, An Khê nay đã là một đô thị trẻ, không khí Xuân về náo nức hẳn lên, người xe xuôi ngược, phố xá rộn ràng. Các phường và khu trung tâm thị xã đẹp hơn bởi hoa viên, điện màu, cổng chào dáng vẻ hiện đại. Học sinh, sinh viên, công nhân làm ăn xa, tầm nửa tháng Chạp lại tấp nập đổ về đoàn tụ gia đình nhộn nhịp cộ xe. Hội hoa Xuân ngã năm Đỗ Trạc đã thành truyền thống, kéo dài cả tuần với đủ loại sắc hoa từ nhà vườn trong, ngoài tỉnh mang đến; đêm hội Giao thừa hàng chục năm nay vui như trẩy hội với âm nhạc, hát-múa quần chúng, đón pháo hoa...

Tuy nhiên, bên cạnh các vùng nông thôn vẫn giữ đậm Tết truyền thống với bánh tét, bánh chưng, dưa hành, củ kiệu, nem, chả giò, các loại bánh mứt... tự làm thì ở khu trung tâm, Tết đến gần như người dân chỉ đặt bánh, mứt từ các cơ sở sản xuất hoặc mua sắm ở siêu thị, trung tâm thương mại… vì lý do bận bịu công việc. Không những thế, ngày nay, mỗi dịp Tết đến, người ta cũng tìm về với đình, chùa, tịnh xá, thánh thất, nhà thờ... nhiều hơn như một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống đương đại, đầy đủ hơn về vật chất.

* Bà Võ Thị Thanh Bình (tổ dân phố 4, phường Trà Bá, TP. Pleiku): Tết xưa hay nay với tôi đều là sum họp

 

 

Tôi thấy Tết nay cũng có khác xưa, chẳng hạn: nhiều người không còn thời gian để gói bánh chưng hay làm các loại mứt Tết; đêm giao thừa cũng chẳng còn nghe tiếng pháo nổ đì đùng thay vào đó là những màn pháo hoa đẹp lộng lẫy trên bầu trời; những chuyến du lịch xa gia đình trong dịp Tết cũng trở nên bình thường chứ không còn là điều kiêng kỵ như trước; công nghệ bây giờ cũng hiện đại hơn, nếu ai vì lý do nào đó mà phải ăn Tết xa quê, vẫn có thể liên lạc, nhìn thấy mặt người thân thông qua các ứng dụng tiện ích trên điện thoại, ipad… Dẫu cuộc sống đã thay đổi theo hướng hiện đại và gấp gáp hơn xưa nhưng cuối năm lòng tôi vẫn nao nao mong chờ Tết.

Bởi lẽ, lấy chồng xa quê nên Tết là dịp tôi được trở về nhà sum họp với ba mẹ; kể cho gia đình nghe những được mất, vui buồn của gia đình mình trong năm qua. Mùng 1 Tết, cả nhà cùng đi tảo mộ rồi thăm viếng người lớn trong dòng tộc; mùng 2, mùng 3 có đi chơi đâu cũng sánh bước bên cạnh nhau. Vợ chồng tôi cứ năm này ăn Tết quê nội thì năm sau lại đón Tết ở quê ngoại để ông bà hai bên đều vui và ấm áp bên cháu con. Không biết với người khác như thế nào, song với riêng tôi, Tết bao giờ cũng vẹn nguyên một ý nghĩa sum vầy.

Hồng Thi (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm