Kinh tế

Giá cả thị trường

Thái Lan chính thức xin tham gia TPP-11 trong tháng này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thái Lan sẽ nộp đơn trong tháng 3 để tham gia hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương CPTPP (TPP-11), nhằm đảm bảo không bị các đối thủ trong khu vực bỏ lại phía sau.
"Thái Lan đang hoàn thiện các tài liệu để đăng ký gia nhập CPTPP. Chúng tôi đã lên kế hoạch nộp đơn xin gia nhập CPTPP trước ngày 24/3", Kyodo dẫn lời bà Auramon Supthaweethum, Cục trưởng Cục Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan.
Chính quyền quân sự Thái Lan sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính năm 2014 vào ngày 24/3.
Bà Supthaweethum cho biết Cục Đàm phán Thương mại đã thực hiện nghiên cứu cho thấy lợi ích và tác động tích cực của việc tham gia CPTPP, cũng như thu thập kết quả các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện trên cả nước.
 
Bộ trưởng các nước thành viên CPTPP trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo Santiago vào tháng 3/2018. Ảnh: Kyodo.
Theo nghiên cứu của bộ, nếu Thái Lan trở thành thành viên CPTPP, thương mại và đầu tư cho đất nước sẽ tăng, đồng thời các quy định và tiêu chuẩn trong nước sẽ được nâng cấp. Nó cũng có khả năng đảm bảo vị trí của Thái Lan như cơ sở sản xuất chính cho các nhà sản xuất liên kết nước ngoài.
Theo bà Auramon, đơn gia nhập của Thái Lan cần được ít nhất một nửa số thành viên CPTPP hiện tại chấp thuận. Sau đó, việc gia nhập sẽ cần được Quốc hội tân cử của Thái Lan phê chuẩn.
CPTPP hiện bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, hầu hết trong số đó đã phê chuẩn thỏa thuận.
Bên cạnh Thái Lan, một số quốc gia cũng tỏ ra quan tâm đến việc tham gia hiệp ước. Một cuộc họp được tổ chức vào ngày 19/1 tại Tokyo để thảo luận về thủ tục chấp nhận các thành viên mới kết luận sẽ "mở cửa cho tất cả nền kinh tế" có thể đáp ứng các quy tắc tiêu chuẩn cao.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 với sự tham gia của 11 quốc gia. 
CPTPP chiếm khoảng 13% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và cung cấp quyền tiếp cập vào khối kinh tế 500 triệu người. Nó được thiết kế để cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, giảm bớt các hạn chế đầu tư và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp đinh Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 1/2017, các quốc gia còn lại đã ký CPTPP, một phiên bản sửa đổi, sau khi đình chỉ một số điều khoản trong thỏa thuận ban đầu.
Tuyết Mai (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm