Kinh tế

Nông nghiệp

Thái Nguyên: Một ông nông dân sáng chế ra chiếc máy cày mini, vừa cày bừa vừa bón phân tự động, tiện lợi bất ngờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hệ thống điều khiển của trang trại kết nối với điện thoại, máy bóc vỏ lạc xách tay, máy cày mini “hai trong một”… là những sáng chế độc đáo của những người nông dân tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua.



Những nông dân sáng chế-họ đều có điểm chung là chưa từng học qua trường lớp đào tạo bài bản nào, nhưng bằng trí thông minh và thực tiễn lao động, họ đã sáng tạo ra nhiều thiết bị phục vụ sản xuất.

Nhiều sáng chế trong số đó đang được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất.


 

Sáng chế máy cày mini “hai trong một” của ông Nguyễn Xuân Thục, xóm Tân Thành, xã Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) vừa có thể cày bừa, vừa kết hợp bón phân tự động.
Sáng chế máy cày mini “hai trong một” của ông Nguyễn Xuân Thục, xóm Tân Thành, xã Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) vừa có thể cày bừa, vừa kết hợp bón phân tự động.



Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gà, năm 2016, ông Nguyễn Văn Hảo, xóm Ngọc Tiến, xã Phục Linh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã tự nghiên cứu, thiết kế và đầu tư xây dựng một trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng bán tự động với quy mô lớn.

Nhờ vậy, công việc của ông giờ đây không những giảm áp lực, vất vả mà con đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.

Trang trại của ông Hảo được xây kín, rộng trên 800m2, thường xuyên duy trì đàn gà giống từ 5.000 đến 6.000 con, sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, mỗi tháng xuất bán từ 4 vạn đến 6 vạn con giống, đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng/tháng.

Bí quyết mang lại thành công là ông đã tính toán để áp dụng đồng bộ các hệ thống thiết bị chuồng trại. Trong đó, các thiết bị đèn chiếu sáng, quạt thông gió, bơm nước, hệ thống làm mát, cung cấp nước uống cho gà, điều chỉnh nhiệt độ…được ông nghiên cứu, tích hợp thành công trên điện thoại thông minh.

Ông Hảo nói: Đối với mỗi phần công việc, giờ đây, tôi chỉ cần một nút ấn trên điện thoại là xong. Chính vì vậy, đã giúp gia đình giảm đáng kể chi phí thuê nhân công và tiết kiệm chi phí trong sản xuất.

Cũng từ thực tế lao động sản xuất, bà Đàm Thị Thanh Huyền, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) đã sáng chế ra hệ thống phun dung dịch chế phẩm bảo vệ thực vật bằng động cơ điện và bơm áp lực cao.

Hệ thống này sử dụng bình chứa dung dịch đặt cố định, động cơ điện, máy tạo áp lực và dây bơm áp lực cao treo trên hệ thống dây ròng rọc.

Tuy là một sáng kiến cải tiến đơn giản nhưng lại đem lại hiệu quả rõ rệt. Hệ thống sử dụng dây bơm dài 50m đến 100m giúp phun dung dịch bảo vệ thực vật trên diện tích lớn, nhanh hơn bình phun thủ công gấp 3 lần, giảm công sức cho người lao động. Sáng kiến này sau đó cũng được các hộ trồng chè trong vùng áp dụng rộng rãi.

Chỉ học hết lớp 5, không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, nhưng ông Phạm Trung Tuyến, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) đã mày mò, chế tạo ra chiếc máy vò chè độc đáo, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm từ việc bán máy.

Theo ông Tuyến, nhiều năm trước, khi các công cụ hỗ trợ chế biến chè được bà con bắt đầu áp dụng vào sản xuất nhưng giá thành cao, vẫn còn nhiều chi tiết chưa phù hợp với cách làm bà con trong vùng.

Phát hiện những điểm chưa phù hợp đó, ông Tuyến đã bỏ công sức mày mò, cải tiến chiếc máy vò chè cho hiệu quả sản xuất cao hơn. Máy có cấu tạo gồm một mô tơ điện và một cối vò, kích thước rộng 63cm, cao 55cm, cân nặng dao động từ 60-63kg.

Máy có thể vò được 30kg chè tươi trong một giờ, thay thế cho 4-5 người lao động thủ công. Thành công với chiếc máy này, ông đã mở xưởng sản xuất máy vò chè, được thị trường trong và ngoài nước biết đến.

 

Trung bình mỗi năm, ông bán được trên 500 chiếc cho các tỉnh thành trong cả nước và còn xuất khẩu sang Lào. Với giá bán một chiếc máy dao động khoảng 4,5-5 triệu đồng, mỗi năm ông thu về tiền lãi trên 1 tỷ đồng.

Không chỉ 3 sáng chế trên, những năm gần đây, đã có nhiều sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật của nông dân trong tỉnh được ứng dụng rộng rãi. Những sáng chế, cải tiến của người nông dân tuy nhỏ nhưng đã phát huy tư duy sáng tạo, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình lao động, sản xuất.

Tại các hội thi như: Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức; hội thi Sản phẩm sáng tạo do Hội Nông dân tỉnh chủ trì… đã thu hút nhiều nông dân tham gia.

Nhiều sản phẩm dự thi mặc dù không mang nhiều tính phát minh khoa học nhưng luôn được đánh giá cao bởi tính ứng dụng thực tiễn. Bởi lẽ, chúng bắt nguồn từ chính những kinh nghiệm, trăn trở của nông dân trong quá trình lao động hằng ngày.

Sự sáng tạo của họ đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị kinh tế cho các hộ nông dân.

Theo các chuyên gia, sáng tạo kỹ thuật của nông dân trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Tuy nhiên, để phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nông dân phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao hơn nữa, các cấp, ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời.

Bệnh cạnh đó cũng cần có sự giúp sức của các chuyên gia để hoàn thiện những sáng chế có tính ứng dụng cao.

 


Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Để động viên, khuyến khích nông dân phát huy niềm năng sáng tạo, từ năm 2001 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã định kỳ tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp ngành 2 năm/lần, với hàng trăm đề tài tham gia của hội viên nông dân. Trong đó có 76 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của hội viên, nông dân đạt giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh…”.

Theo Huy Toản (Báo Thái Nguyên/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm