Đảo Lý Sơn nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 24 km. Vùng đất này còn có tên gọi khác là Cù Lao Ré, vốn được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1992.
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. |
Điều ấn tượng nhất khi đến Lý Sơn là chúng ta có dịp chứng kiến nhiều di tích nổi tiếng. Ngoài những thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ độc nhất vô nhị như chùa Hang, chùa Đục, miệng núi lửa giếng Tiền…, nơi đây còn có nhiều di tích mang đậm kiến trúc nghệ thuật tôn giáo tín ngưỡng như đền thờ cá ông Lăng Chánh (xã An Vĩnh), dinh bà Thiên Y-A-Na (xã An Hải), đình làng An Hải, dinh Tam Tòa…, đặc biệt là cụm di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa được thiết lập từ thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn như Âm Linh tự, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Võ Văn Khiết... Các di tích này có nét kiến trúc mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh và giữa nền văn hóa Champa, Đại Việt.
Di tích Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa (xã An Vĩnh) là nơi thờ đội hùng binh Hoàng Sa được xây dựng giữa thế kỷ 17. Ngày đó, những chuyến hải trình đánh bắt gian nan bằng phương tiện thô sơ đến đảo Hoàng Sa đã làm cho rất nhiều binh lính bỏ mình trên biển. Tưởng nhớ đến họ, người dân trên đảo Lý Sơn xây dựng nên đền Âm Linh tự để thờ phụng. Đây là di tích lịch sử quan trọng, chứng minh một cách trung thực chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ thời xưa. Cùng với Âm Linh tự còn có di tích nhà thờ Phạm Quang Ảnh, di tích nhà thờ Võ Văn Khiết. Hai nhân vật trên cùng là đội trưởng đội Hoàng Sa đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các di tích này có giá trị giáo dục to lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc.
Âm Linh tự tại xã An Vĩnh. |
Một điểm nhấn trong các cụm di tích ở Lý Sơn là Nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được khánh thành vào năm 2010 ở ngay trung tâm huyện lị. Phần sảnh của công trình là tượng đài cao hơn 4 m khắc họa 3 chân dung. Người đứng giữa là cai đội với một tay chỉ thẳng về hướng biển Đông, một tay đặt lên cột mốc chủ quyền khắc chữ Hán Nôm “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên cai đội là hai dân binh, bên phải là một người cầm giáo, bên trái là một người vác lưới trên tay. Đây là những đại diện của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ thời chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo Hoàng Sa và lập đội Bắc Hải, phụ trách các đảo xa ở phía nam quần đảo Hoàng Sa (nay là quần đảo Trường Sa). Nhà trưng bày có tổng diện tích 180 m2, gồm 3 phòng trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật, tranh ảnh có giá trị lịch sử góp phần minh chứng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Ra đảo Lý Sơn ngoài được tham quan các di tích, cảnh đẹp, được nghe các cụ lớn tuổi kể chuyện hải đội Hoàng Sa, về những người con đất đảo anh hùng đã hy sinh xương máu để bảo vệ Hoàng Sa thân yêu, được tận mắt thấy hàng trăm ngôi mộ gió nghi ngút khói hương, chúng ta dường như ai cũng thấy mình thêm yêu đất nước và có trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hơn.
Theo thanhnien