Kinh tế

Nông nghiệp

Tham gia Chương trình OCOP hướng đi mới của hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là cơ hội tốt để các hợp tác xã (HTX) nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Qua đó, các HTX sẽ có thêm động lực để phát triển.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, Gia Lai) có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh năm 2019 là chanh dây quả (đạt 4 sao) và nước cốt chanh dây (đạt 3 sao). Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX-chia sẻ: “Ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX luôn đặt mục tiêu phát triển cho sản phẩm. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, HTX đã đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 30 ha. Không chỉ xuất khẩu chanh dây, HTX còn tiến hành xây dựng chuỗi giá trị cho mặt hàng này qua việc chế biến tinh cốt chanh dây cô đặc, dịch chanh dây đông lạnh, sấy mứt từ vỏ chanh dây. Với những nỗ lực của HTX, 2 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Thời gian tới, HTX tiếp tục hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng sản phẩm OCOP”.
 Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai có 2 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh là sản phẩm chanh dây quả và nước cốt chanh dây. Ảnh: V.T
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai có 2 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh là sản phẩm chanh dây quả và nước cốt chanh dây. Ảnh: V.T

Năm 2019, tỉnh Gia Lai có 42 sản phẩm của 33 chủ thể đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Trong số này có 12 sản phẩm của 10 HTX đạt 4 sao và 3 sao.
Nói về kết quả của quá trình tham gia OCOP, ông Trần Thanh Vọng-Phó Giám đốc HTX Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến (xã Ayun, huyện Mang Yang) cho hay: “Khi đăng ký xây dựng sản phẩm măng le thành sản phẩm OCOP, HTX đã được các ngành chức năng của huyện hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện về mặt thủ tục, tem nhãn, bao bì, xúc tiến thương mại. Việc được chứng nhận 3 sao cấp tỉnh năm 2019 sẽ là động lực để HTX nâng cao chất lượng sản phẩm măng le sấy khô, từng bước tiếp cận các thị trường lớn. Đây cũng là cơ hội để HTX đẩy mạnh liên kết với nông dân trên địa bàn”. Ông Vọng còn cho biết, hiện tại, HTX có 44 thành viên tham gia với các ngành nghề chế biến măng le sấy khô, sâm cau cô đặc, cao mật nhân, muối sả. Việc tham gia OCOP sẽ giúp các thành viên có cơ hội phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường. Hiện doanh thu của HTX đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, để đầu ra sản phẩm được ổn định, HTX rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, việc sản phẩm được phân hạng OCOP cấp tỉnh sẽ là cơ sở tốt nhất để các HTX tạo dựng niềm tin với khách hàng. Bởi lẽ, kết quả công nhận này có giá trị trong thời hạn 3 năm. Các sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy công nhận sẽ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “OCOP Gia Lai” và thứ hạng sao in trên bao bì theo quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các quy định hiện hành.
Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng với các đối tác trên cả nước để đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở những hệ thống phân phối lớn. Việc tham gia OCOP sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX. Trong năm 2020, các HTX có sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh năm 2019 vẫn tiếp tục đăng ký tham gia với đa dạng nhóm ngành nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh ở địa phương. Từ nguồn kinh phí đầu tư, địa phương sẽ hỗ trợ các HTX hoàn thiện nâng cấp bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, dựa trên đăng ký của HTX, các địa phương cũng đã có định hướng phát triển để nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh lên cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Tiếp-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-đánh giá: “Chương trình OCOP sẽ khuyến khích và thúc đẩy thành lập HTX gắn với việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, khi HTX tham gia sẽ được hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chí để có sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP. Việc tham gia OCOP góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới”.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm