Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Thảm họa" chính tả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phải nhìn nhận rằng trên các trang báo của Báo Gia Lai gần như không thể tìm ra lỗi chính tả. Nhưng sự chỉn chu của một vài tờ báo không khỏa lấp được những lỗi chính tả rất ngô nghê, rất sơ đẳng đang xuất hiện đầy rẫy trên truyền thông, trên mạng xã hội. 
“Công Phượng được chiệu tập vào đội tuyển...”, “Lang mang chuyện tình cặp đôi...”, “Trước khi tuyên án, hội đồng xét xử tập chung làm rõ...”-những tiêu đề, những dòng tin như thế đã khiến không ít người đọc khó chịu.
Nếu ai đó đã nói tiếng Việt là một trong những tấm “căn cước” định tính cho văn hóa dân tộc thì cách sử dụng tiếng Việt thời đại này đã cho thấy tấm căn cước tiếng Việt đang bị xuống cấp đến mức đáng hổ thẹn.
Không có một quy ước tuyệt đối nào để viết đúng chữ Việt cũng như không ai dám khẳng định rằng mình chẳng bao giờ viết sai chính tả. Ngoài quy luật sử dụng dấu hỏi-ngã-sắc-huyền, vẫn còn nhiều chữ khó phân định đúng sai: “dòng sông” hay “giòng sông” chẳng hạn, “dông tố” hoặc “giông tố”… cũng đã và đang được tranh cãi bất phân thắng bại. Những trường hợp như vậy dẫu sao cũng làm cho người ta thấy dễ chịu dù phải gân cổ cãi nhau, chứ “chục chặt” thay cho “trục trặc”, “đỗ ngả” thay vì “đổ ngã”… lại là một chuyện khác.
Chuyện sai chính tả rơi cả vào người có học vị hẳn hoi. Tất nhiên, một cô thạc sĩ, một anh tiến sĩ không phải chuyên ngành ngôn ngữ dễ chống chế, nhưng cần biết rằng viết tiếng mẹ đẻ đúng luôn là nền tảng cho mọi kiến thức. Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ là những người mang trọng trách “văn dĩ tải đạo” nhưng cũng không ít người “trộn sạn” vào sáng tác của mình rất cẩu thả. Đọc một áng văn hay một khổ thơ đang ăm ắp nỗi niềm, bỗng vấp phải một từ viết sai cứ như cắn phải con sâu trong miếng táo thơm ngọt. Báo online rất phổ biến chuyện xem thường người đọc khi có thể nhặt sạn lỗi chính tả ở bất kỳ trang nào, kể cả các báo lớn, có thương hiệu.
Về mặt ngôn ngữ, tiếng Việt khá đa dạng ngữ âm theo vùng miền, khác biệt trong nói, nhưng viết thì cần chuẩn xác. Đấy là chính tả. Người miền Nam, miền Trung thường lẫn lộn âm có dấu hỏi, ngã, các phụ âm cuối C, T, N, NG…; người miền Bắc thường lẫn lộn các phụ âm đầu TR, CH, S, X, L, N… Tai họa nằm ở chỗ người ta nói sao viết vậy.
Trao đổi với người viết bài này, Tiến sĩ ngôn ngữ Trần Hoàng (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) phân tích 3 nguyên nhân dẫn đến việc sai chính tả đến từ nhà trường, ý thức tự trau dồi và cách xã hội cư xử với tiếng mẹ đẻ.
Trên ghế nhà trường, một thực tế hết sức đáng buồn là bản thân một số thầy-cô giáo không thể phân biệt sai đúng của học trò để điều chỉnh, rốt cuộc sai từ thầy đến trò. Đọc nhiều (tất nhiên có chọn lọc) là cách tự thân để điều chỉnh trong việc viết đúng; những người đọc nhiều chắc chắn là những người viết rất chuẩn chính tả. Vậy nhưng đây lại đang là cái thiếu trầm trọng của nhiều người. Cười cợt với ngôn ngữ cũng là một cách cư xử thiếu nghiêm túc. Trên mạng xã hội nhiều người đã viết bằng âm giọng quê mình như là một cách tự trào: “thâu nghe” (thôi nghe), “zìa quơ” (về quê), “ngừ te” (người ta) nhan nhản trên dòng trạng thái, trên những đoạn hội thoại.
Tiến sĩ Trần Hoàng cũng chia sẻ: “Viết đúng chính tả không chỉ là biểu hiện của một trình độ văn hóa nhất định mà còn là biểu hiện của ý thức tôn trọng cộng đồng, của lòng yêu quý tiếng nói dân tộc”. Ông cũng đơn cử cái tai hại của việc viết sai chính tả. Đó là một giai thoại vui quanh việc viết sai 1 chữ trong câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính: “Đêm đêm binh lính tiễu quanh thành”. Khốn nỗi, thay vì tiễu (dấu ngã, tức tuần tiễu) người ta đã in thành tiểu (dấu hỏi). Nghe xong, phải bật cười rồi rớt nước mắt cho nhà thơ. Đúng là thảm họa!
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm