Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Thăm lại tháp cổ Bang Keng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhân chuyến công tác tại huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), chúng tôi có dịp thăm lại tháp Chăm Bang Keng (buôn Jú, xã Krông Năng) và có thêm nhiều phát hiện thú vị quanh ngôi tháp cổ này.

Tháp Chăm Bang Keng được người dân trong vùng biết đến từ sớm. Đến năm 2006 là lần đầu tiên được công bố phát hiện. Từ kết quả khảo sát hiện trường và đánh giá tình trạng di tích, năm 2010, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ (nay là Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) tiến hành khai quật di tích.

Một lớp gạch xếp tương đối ngay ngắn và bằng phẳng nghi là tường bao di tích tháp Chăm Bang Keng. Ảnh: H.B.T

Một lớp gạch xếp tương đối ngay ngắn và bằng phẳng nghi là tường bao di tích tháp Chăm Bang Keng. Ảnh: H.B.T

Kết quả khai quật cho thấy, Bang Keng là một kiến trúc đền thờ mang đậm dấu ấn Bà-la-môn giáo có niên đại khoảng thế kỷ VII-VIII. Đây là niên đại sớm nhất đối với các di tích, di vật văn hóa Champa được phát hiện trên địa bàn tỉnh. Nhiều nhà khoa học cho rằng, Bang Keng không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là trung tâm kinh tế-văn hóa trong lịch sử. Những trung tâm này đóng vai trò là trạm trung chuyển hàng hóa trên con đường giao thương trao đổi mua bán giữa miền xuôi-miền ngược thông qua hệ thống sông ngòi.

Bang Keng là trạm trung chuyển trên con đường giao thương giữa cao nguyên Pleiku (tháp Chăm An Phú) với cảng thị của người Chăm ở Tuy Hòa và An Khê là trạm trung chuyển giữa cao nguyên Pleiku với Cảng Thị Nại (Quy Nhơn). Cũng bởi, An Khê rất gần với trung tâm Vijaya ở Bình Định-nơi tồn tại hệ thống đền tháp Bà-la-môn giáo và Phật giáo phong phú được dựng lên từ thế kỷ VII-VIII cho đến thế kỷ XIII-XV.

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc phát hiện tháp Bang Keng nên ngay từ sớm, những người làm công tác chuyên môn luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Đợt trở lại lần này nhằm đánh giá hiện trạng di tích, tiến tới nghiên cứu giải pháp vừa bảo tồn được tính nguyên vẹn của di tích, vừa có thể phát huy giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo khảo sát mới nhất của chúng tôi, hiện nay, vị trí của di tích nằm ở sát mép sông. Khi mùa mưa đến, nước sông dâng cao, một phần gạch của tháp chìm dưới nước, chỉ đến khi mùa khô, nước rút đi, phần gạch này mới xuất lộ.

Ông Nay Yút-cán bộ Văn hóa xã Krông Năng-cho biết: “Trước đây, khi chưa đắp đập thủy điện Sông Ba Hạ thì mực nước sông rất thấp, từ chân tháp đến mặt nước khoảng 100 m. Kể từ khi đắp đập, nước dâng cao đến chân tháp. Hàng năm, nước dâng, nước rút nhiều lần làm xói mòn đất. Do vậy, gạch đá của tháp được nhìn thấy rất nhiều vào mùa khô, tuy nhiên lại bị chìm dưới nước khi mùa mưa đến”.

Phần móng tháp Chăm Bang Keng trong đợt khai quật di tích năm 2010. Ảnh: Xuân Toản

Phần móng tháp Chăm Bang Keng trong đợt khai quật di tích năm 2010. Ảnh: Xuân Toản

Ngoài phần nền móng đã được phát hiện và khai quật từ năm 2010, qua khảo sát, chúng tôi phát hiện mới một số lượng lớn gạch Chăm đã xuất lộ trên mặt đất. Theo ông Hồ Xuân Toản-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng tỉnh): “Phần gạch này trước đây phần nằm dưới nước, phần nằm trong lòng đất. Do đó, các năm về trước không nhìn thấy. Hiện nay, do quá trình xói mòn và rửa trôi nên chúng xuất lộ ngày càng nhiều”.

Quan sát bên cạnh đống gạch cổ, chúng tôi phát hiện một lớp gạch nằm tương đối ngay ngắn, chưa có dấu hiệu bị xáo trộn, cách ngôi tháp chính khoảng 10 m hướng về phía sông, nghi là vết tích tường bao di tích. Khảo sát xung quanh di tích, ngoài số lượng lớn gạch Chăm, chúng tôi còn phát hiện một số mảnh ngói có hoa văn khắc vạch, một số đồ gốm là chân đế của vật dụng nghi là chén, bát, hũ…

Chỉ về phía bãi bồi cách tháp khoảng 300 m, ông Nay Yút cho biết thêm: “Tôi nghe ông bà xưa kể lại, trước đây, phía bãi đất đó còn có một công trình khác nữa. Người dân còn tương truyền đó là nơi ở của “ông Hai, ông Ba”. Người Jrai trong vùng xem ông Hai, ông Ba như những vị thần linh và gạch xây tháp cũng được chuyển từ ngoài đó về đây”.

Hiện nay, con đường đi đến di tích còn một đoạn khoảng 2 km không có lối đi cho xe, thậm chí không có đường mòn để đi bộ mà phải băng qua suối, qua các gò đồi và đi vào rẫy của người dân. Đây là một trở ngại khiến cho việc bảo tồn di tích lâu nay chưa được quan tâm.

Muốn bảo tồn tính nguyên vẹn di tích này, trước hết cần tiến hành lập hồ sơ khoa học trình các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hồ sơ khoa học sẽ có bản đồ khoanh vùng để xác định cụ thể diện tích khoanh vùng và phạm vi khoanh vùng bảo vệ, từ đó mới có cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ di tích. Sau đó mới đến các biện pháp bảo vệ khác như: xây tường bao, mái che…

Tuy nhiên, trước khi lập hồ sơ, theo chúng tôi, cần tiến hành một cuộc khai quật mở rộng để làm xuất lộ toàn bộ di tích, khi đó mới có thể xác định được phạm vi di tích tới đâu để lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ. Thông thường, đối với các kiến trúc Chăm, ngoài tháp chính còn có các tháp phụ và hệ thống tường bao xung quanh. Hiện chúng ta mới chỉ khai quật và nghiên cứu phần móng của tháp chính chứ chưa thể xác định được quy mô toàn bộ của di tích.

Rất nhiều gạch Chăm cổ của khu tháp hiện đã nằm dưới lòng sông. Ảnh: H.B.T

Rất nhiều gạch Chăm cổ của khu tháp hiện đã nằm dưới lòng sông. Ảnh: H.B.T

Theo khảo sát thực tế, hiện nay, khu vực di tích nằm trong vùng bán ngập. Do đó, khi mùa mưa đến, nước dâng cao, một phần bị ngập dưới lòng sông. Vậy công tác bảo tồn sẽ phải tiến hành như thế nào? Đây là nỗi trăn trở của những người làm công tác bảo tồn và cả chính quyền địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Như Lý-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa-cho biết: “Tháp Bang Keng là di tích rất quan trọng. Phòng sẽ tham mưu UBND huyện và phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xem xét, đề xuất bổ sung vào danh mục lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh để bảo tồn di tích”.

Được biết, những năm gần đây, Phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện cũng đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, dựng bia đánh dấu di tích. Đây là việc làm cần thiết trong thời điểm này để bảo vệ di tích. Hy vọng chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn sẽ sớm tìm ra giải pháp để bảo tồn tính nguyên vẹn và phát huy giá trị di tích Bang Keng.

Có thể bạn quan tâm