Giáo dục

Thăm lớp học mầm non làng Chợch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ sự chỉ dẫn qua điện thoại của cô giáo Nguyễn Thị Nga, nhóm bạn thiện nguyện 50K của chúng tôi cũng đến được làng Chợch (xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) theo đúng dự kiến ban đầu.

Cách đây mấy năm, cũng trên con đường liên xã này, tôi đã đưa đoàn thiện nguyện từ TP. Hồ Chí Minh đến tặng quà cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Krong, huyện Kbang (cơ sở 2). Lướt qua những cánh rừng, những cánh đồng lúa vàng ươm, những vườn đồi cây trái, rẫy mì, nương bắp nối nhau ngược chiều xe chạy, các thành viên trong đoàn vui vẻ bảo như... đi dã ngoại, lần đầu về với làng vui và thích quá.

Lớp mầm non ở làng Chợch, xã Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: B.H

Lớp mầm non ở làng Chợch, xã Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: B.H

Làng Chợch cách trung tâm xã gần 14 km, cách trung tâm hành chính huyện hơn 30 km. Làng có 108 hộ với 467 khẩu, 99% dân số là đồng bào Bahnar. Hiện nay, làng còn 30 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo. Đây là ngôi làng có số hộ nhiều nhất trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã, trình độ dân trí thấp, còn nặng về các hủ tục, trước kia thuộc làng tái định cư của Dự án lòng hồ Thủy điện An Khê-Ka Nak. Nhưng nay thì cuộc sống của dân làng cũng dần đi vào ổn định. Làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” từ năm 2001. Những năm qua, người dân luôn đoàn kết, chăm chỉ lao động sản xuất, giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”.

Điểm trường mầm non làng Chợch có 45 cháu, có 2 giáo viên được Ban Giám hiệu nhà trường phân công giảng dạy trực tiếp là cô Đinh Thị Hương Bình và cô Nguyễn Thị Nga. Thấu hiểu những khó khăn của phụ huynh và học sinh, với tình yêu thương trẻ và lòng nhiệt huyết, bằng sự kết giao của mình, 2 cô đã kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí cũng như vật chất cho điểm trường. Lớp mầm non của cô Nga và cô Bình nằm trong khuôn viên của điểm trường làng, rợp bóng cây xanh. Phòng học của 45 cháu mẫu giáo khang trang, gọn gàng, sạch đẹp, có những góc trưng bày các hiện vật dùng trong đời sống hàng ngày của bà con dân làng đậm nét văn hóa Bahnar. Trên tường còn có treo một vài bức tranh, hỏi thì chúng tôi được biết là các cô giáo tự vẽ trang trí.

Khi chúng tôi đến nơi đã gần trưa và là ngày thứ bảy, nhưng các cháu nhỏ được ba mẹ và các cô giáo đưa đến lớp chờ sẵn. Các cháu đứng sắp hàng chào khách, được các cô chú tặng bánh kẹo, nhiều cháu bẽn lẽn đưa cả hai tay nhận quà và cúi đầu cảm ơn thật thương quý. Cô Nga cho biết, trong làng còn một số cháu trong độ tuổi mầm non nhưng chưa có điều kiện ra lớp. Tất nhiên, để có được sự khá ổn định sĩ số của lớp như hiện nay là một kỳ công làm công tác vận động phụ huynh của các cô giáo và cán bộ làng.

Trò chuyện thêm, chúng tôi được biết, sau một thời gian chuẩn bị, các cô giáo ở làng Chợch đã quyết định tìm cách “làm theo mô hình bán trú dân nuôi”. Được xã và Ban Giám hiệu nhà trường khuyến khích, ủng hộ, vậy là lớp học bán trú của cô trò ra đời. Được Ban Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku nhận đỡ đầu và một số nhà hảo tâm quanh vùng cùng phụ huynh giúp đỡ, các cháu có bữa cơm trưa ấm lòng. Và cũng từ đây, các cháu đến lớp đều đặn mỗi ngày, phụ huynh cũng an tâm ra đồng ra rẫy mà không lo con không có người chăm sóc và đói khi mình vắng nhà vào buổi trưa.

Ở làng xa, còn nhiều khó khăn, mà có được lớp học mầm non bán trú dân nuôi là điều đáng quý, đáng trân trọng. Ảnh: Bích Hà

Ở làng xa, còn nhiều khó khăn, mà có được lớp học mầm non bán trú dân nuôi là điều đáng quý, đáng trân trọng. Ảnh: Bích Hà

Nghe chúng tôi hỏi thăm, một phụ huynh có mặt hôm ấy bày tỏ: “Người làng cũng vui, các cháu cũng vui khi được các cô giáo chăm sóc thay cho mẹ cha đi làm rẫy xa nhà, trưa không về được”. Lời nói mộc mạc giản dị vậy, nhưng với bà con Bahnar nơi đây là tự đáy lòng của họ nói lên lời cảm ơn đến các cô giáo. Còn Trưởng thôn Đinh Bách thì cho hay: “Thường thì các cháu theo cha mẹ đi làm và ngủ luôn ở ngoài rẫy. Thấy học trò không đến trường, các cô giáo phải lên nhà rẫy, đi nhà đầm chở từng cháu một, có cháu còn trốn học, làm khổ cô giáo rất nhiều. Năm học này, cô Nga, cô Bình đã làm được một việc mà từ trước đến nay chưa ai làm được. Với việc làm rất tốt đó, trẻ con trong làng thích đi học lắm, bà con và các cháu nhỏ trong làng ai cũng yêu mến các cô”.

Điều mà các cô giáo và phụ huynh lo lắng nhất hiện nay là liệu lớp bán trú dân nuôi của làng có duy trì được lâu dài hay không, bởi hiện tại, nguồn kinh phí phải đi vận động từ lòng hảo tâm của mọi người gần xa. Khi biết các cháu thiếu dép, mũ, áo quần đồng phục, thiếu cả lương thực thực phẩm, các bạn trong nhóm thiện nguyện 50K chúng tôi bàn nhau của ít lòng nhiều, góp chút quà nhỏ giúp cô trò làng Chợch bớt phần khó khăn. Ở làng xa, còn nhiều khó khăn, mà có được lớp học mầm non bán trú dân nuôi như thế là điều đáng quý, đáng trân trọng tấm lòng vì học sinh thân yêu của các cô giáo trường làng nói riêng và Ban Giám hiệu nhà trường cũng như lãnh đạo xã Lơ Ku nói chung.

Có thể bạn quan tâm