Điểm đến Gia Lai

Thăm trường bán trú Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mang tiếng là người biết nhiều về Kbang (xứ sở mà hàng mấy chục năm qua, hễ có điều kiện là tôi đến ngay), thế mà mới đây, trong cùng chuyến đi với nhóm từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh do doanh nhân Hà Cường chủ trì, đem quà về tặng các cháu ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong, tôi mới biết ở xã này có những 3 ngôi trường như thế. Riêng trường tôi đến vừa rồi, theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thuấn, khu vực trường anh đảm nhiệm có 6 làng, 100% là đồng bào Bahnar, cách trung tâm xã hơn 40 cây số. Nói là bán trú cho nó... đúng quy định của Nhà nước, chứ trong tổng số 250 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 đang theo học ở đây đã có 150 em nội trú.
Giải thích về điều này, thầy Thuấn cho biết, do trường cách các làng khá xa, có làng cách 5 đến 7 cây số đường rừng, phải leo dốc, lội suối... nhiều em nhỏ không đủ sức để hàng ngày đi về ngần ấy cây số, cha mẹ các em phải làm lụng cả ngày trên rẫy, ngoài ruộng, không có điều kiện đưa đón. Do vậy mà nhà trường... nuôi các em suốt tuần. Các em nội trú, ngoài chế độ bán trú được huyện cung cấp ra, chủ yếu nhờ vào sự đóng góp công, góp của của các thầy-cô giáo và sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, nhưng vẫn thiếu nhiều thứ, nhất là dụng cụ học tập, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, đồng phục, đồ giữ ấm... Tôi ghé thăm lớp học của cô giáo Võ Thị Kim Quyên. Học sinh vừa nhận quà của nhóm từ thiện (giá trị mỗi phần quà là 400.000 đồng) nên rất vui... “Thế là mùa lạnh này các em sẽ đủ ấm. Tuy nhiên, nếu có được cho mỗi em một bộ đồng phục nữa thì sẽ vui biết bao nhiêu”-cô giáo Quyên bảo. Lớp 1 của cô có 30 em, khai giảng đã hơn 1 tháng rồi mà phụ huynh vẫn chưa sắm nổi một bộ đồng phục để mỗi sáng đầu tuần các em mặc trong lễ chào cờ.
Nhóm từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh tặng quà cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong. Ảnh: Đ.M.P
Nói chuyện cùng cô giáo Quyên, tôi biết được không những lớp 1 của cô mà tất cả các lớp học của trường cũng vậy, ngoài những thứ được cấp theo chế độ bán trú, các em còn thiếu quá nhiều thứ thiết yếu cho việc học và sinh hoạt hàng ngày, từ mũ, giày, dép, kem, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm giặt, khăn mặt... đến bút, sách vở, báo thiếu nhi, dụng cụ thể thao... Theo quan sát của chúng tôi, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong tuy mới được thành lập từ tháng 7-2015, phát triển lên từ cụm trường khu vực phía Nam trung tâm xã Krong, nhưng việc quy hoạch, đầu tư xây dựng khá bài bản, khuôn viên rộng, phòng học, nhà ở được xây dựng kiên cố, sạch đẹp, quy củ, nền nếp. Tôi hỏi cháu Đinh Văn Danh (học sinh lớp 8): “Cháu có thích học ở trường này không?”. Không chút ngập ngừng, Danh nói ngay: “Cháu rất thích học ở đây, thầy cô và các bạn cùng trường cũng rất yêu mến nhau”. Còn lớp trưởng Đinh Thị Trinh thì lí nhí: “Thưa... thầy, chúng em cảm ơn thầy!” khi nghe tôi hứa sẽ tìm nguồn tặng 30 cháu lớp 1 của Trinh mỗi cháu một bộ đồng phục ngay trong ngày... 20-11 tới đây.
Chúng tôi đến trường của thầy Nguyễn Văn Thuấn vào một sáng trung tuần tháng 10, chỉ 2 hôm sau khi một cơn mưa rất to đổ xuống. Một đoạn đường cách trường chừng hơn 5 cây số bị lầy nặng, xe ô tô trên 40 chỗ ngồi vừa chở các bạn trong nhóm từ thiện vừa chất kín hàng hóa nên không thể vượt qua đoạn đường ấy mà phải sang xe. May mà có chiếc 7 chỗ ngồi, 2 cầu mà Chánh văn phòng Huyện ủy Kbang Phạm Quang Vĩnh cho mượn cùng với chiếc bán tải của “nhà thiện nguyện” Lê Văn Nhất ở Pleiku đang làm người dẫn đường cho chuyến đi. Và nữa là anh chủ xe tải nhỏ đang ở gần đấy, hay tin xe chúng tôi bị mắc lầy đã cùng đến “ứng cứu” cả người và hàng hóa.
Krong là xã có diện tích tự nhiên đáng nể với gần 313 km2, là căn cứ trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh Gia Lai. Những năm gần đây, Krong nhận được sự quan tâm đầu tư về nhiều lĩnh vực của tỉnh, huyện, song xã vẫn còn nhiều khó khăn. Có người còn bảo, Krong thậm chí nghèo khó hơn cả xã Kon Pne, một xã được coi là xa nhất tỉnh tính từ TP. Pleiku. Để vào được điểm trường, nếu đi tắt thì chừng 25 cây số tính từ trung tâm huyện lỵ Kbang đi qua xã Lơ Ku; nếu vòng qua trung tâm xã Krong thì quãng đường dài hơn gấp rưỡi. Tiềm năng về nhiều loại sản phẩm của Kbang nói chung và của Krong nói riêng thì khá nhiều, nhưng hiện thời địa phương chưa có khả năng đầu tư khai thác để biến chúng trở thành hàng hóa, cho nên có ai sống nổi chỉ bằng... tiềm năng còn đang trong lòng đất, ở rừng sâu? Vì thế, dẫu đã ngần ấy năm hòa bình lập lại mà Krong, Kbang vẫn chưa thể thoát nghèo!
Chia tay với thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong vào lúc đã quá ngọ rất lâu, dẫu mệt và đói, nhưng chúng tôi cảm thấy vui vui và cũng có đôi chút băn khoăn, trăn trở. Vui vì thấy trong phòng làm việc của Ban Giám hiệu nhà trường có cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh tặng về thành tích của nhà trường trong năm học 2016-2017; còn băn khoăn, trăn trở là bởi cơ ngơi của trường tuy đã được đầu tư xây dựng kha khá, song về đời sống vật chất, tinh thần của thầy và trò ở đây vẫn còn là chuyện đáng lưu tâm. Tôi nghĩ, cần nhiều hơn nữa sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân... đối với một ngôi trường ở vùng căn cứ cách mạng xưa, vùng rất xa, rất sâu của đồng bào Bahnar, nơi đã từng và sẽ luôn một lòng một dạ thủy chung với Đảng, với Nhà nước.
Trong khi tôi đang viết bài báo nhỏ này, từ Đà Nẵng, bạn Trương Ngọc Oanh, quê Pleiku, đang có việc nhà ngoài đó, cũng là một trong những người luôn chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ những mảnh đời yếu thế, học sinh nghèo... đã nhắn tin bảo rằng sẽ mua đủ 30 bộ đồng phục giúp các cháu học sinh lớp 1 của cô giáo Quyên. “Biết được thông tin về niềm mơ ước có những bộ đồng phục lớp 1 của cô trò ở trường nói trên là nhờ em đọc trên mạng xã hội”-cô Oanh cho hay. Và cô cũng khẳng định, trong vòng vài ba ngày tới đây, các em học sinh của cô giáo Quyên sẽ được toại nguyện!
 Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm