"Thần dược" rẻ tiền giúp sống lâu, ngừa ung thư, mất trí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các nhà khoa học Đức vừa phát hiện công thức chế "thần dược" trường sinh bằng sự kết hợp các loại thức ăn, đồ uống hết sức thông dụng.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Erlangen-Nuremberg (Đức) vừa phát hiện ra công thức "thần dược" cực kỳ dễ tiếp cận, giúp kích hoạt một hợp chất tồn tại trong nhóm chất chống oxy hóa polyphenol. Điều này giúp chống lại một chất khí được xem như là chất thải của tế bào. Chất thải này có thể làm hại đến DNA, khiến con người lão hóa nhanh, từ đó giảm tuổi thọ và liên quan đến các bệnh như ung thư, mất trí.
 

Cà phê, chocolate sẽ phát huy tác dụng kỳ diệu khi kết hợp với món ăn giàu kẽm như thịt đỏ hay ngũ cốc - ảnh minh họa từ Internet
Cà phê, chocolate sẽ phát huy tác dụng kỳ diệu khi kết hợp với món ăn giàu kẽm như thịt đỏ hay ngũ cốc - ảnh minh họa từ Internet



Công thức cực kỳ đơn giản: đầu tiên bạn phải nạp tiếp polyphenol, sau đó nạp tiếp chất xúc tác để phản ứng này xảy ra. Bạn không cần tìm polyphenol đâu xa: nó rất dồi dào trong cà phê, trà và chocolate.

Còn chất xúc tác kỳ diệu giúp polyphenol phát huy tối đa sức mạnh và thành thần dược, đó là vi chất kẽm.

Tiến sĩ Ivana Ivanović-Burmazović, tác giả chính của nghiên cứu cho biết rượu vang cũng là một thức uống giàu polyphenol được để ý đến, tuy nhiên cồn trong rượu vang có thể phá hủy tác dụng của công thức polyphenol + kẽm này. Do đó nếu chọn rượu vang, bạn buộc phải chọn loại không cồn để đạt được tác dụng.

Nhóm khoa học gia đề xuất để nạp vào người đủ hai yếu tố của "thần dược" này, trong tương lai các nhà sản xuất có thể tạo ra trà, cà phê, chocolate có bổ sung kẽm. Tuy nhiên bạn vẫn có thể ăn, uống các món ngon lành trên và bổ sung kẽm qua chế độ ăn.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), các thực phẩm giàu kẽm bao gồm hải sản (hàu, tôm, cua..), thịt đỏ, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc ăn sáng, các sản phẩm từ sữa, đậu, quả hạch… Khả năng hấp thụ kẽm của con người tốt hơn khi ăn sản phẩm động vật, bởi các thực vật giàu kẽm lại chứa cả chất ức chế sự hấp thụ kẽm, nên nhìn chung lượng kẽm nạp vào vẫn ít hơn so với món ăn từ động vật.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Chemistry.

A. Thư (Daily Mail, Science Daily, FAU)

Có thể bạn quan tâm