Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thanh Hóa: Ngăn sông Mã bơm nước chống hạn cứu lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 4-3, ông Lê Duy Trinh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có mặt tại Công ty Thủy nông Nam sông Mã để tiếp tục chỉ đạo việc ngăn sông Mã, bơm nước chống hạn cứu lúa.

Việc làm chưa từng có với ngành nông nghiệp Thanh Hóa, bởi từ năm 1962 đây là năm mực nước sông Mã xuống đến mức thấp kỷ lục. Công việc ngăn sông Mã diễn ra hết sức khẩn trương.

Ngày 4-3, các khoang của sà lan được chứa đầy cát để sà lan chìm xuống, ngăn sông Mã đoạn qua xã Yên Trường, huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho nước sông dâng lên, giúp trạm bơm của Công ty Thủy nông Nam sông Mã bơm nước chống hạn.

Trước thực trạng mực nước sông Mã xuống quá thấp, Công ty Thủy nông Nam sông Mã đã triển khai phương án ngăn sông này tại vị trí trạm bơm chính của công ty (đặt tại phố Kiểu, xã Yên Trường, huyện Yên Định), bằng việc đặt các bao tải chứa cát, kết hợp với thuê sáu sà lan (mỗi chiếc dài 40m) nối dài để ngăn ngang sông.

Các khoang của sà lan chứa đầy cát để đáy sà lan chạm đáy sông, nhằm cho mực nước sông Mã tại khu vực này dâng cao, dẫn dòng vào bể hút của trạm bơm. Bên cạnh đó, tại vị trí hai bên mép sông, mực nước cạn hơn thì dùng đá hộc và các bao tải chứa cát đắp chặn dòng để dồn nước về phía bể hút của trạm bơm.

Ông Bùi Bảo Đảm- Giám đốc Công ty Thủy nông Nam sông Mã- cho biết: "Nhiều ngày qua, mực nước sông Mã tại bể hút của trạm bơm này đã xuống dưới mức 3,2m (năm 1962, mực nước sông Mã ở trạm bơm này thấp ở mức lịch sử là 3,28m). Sáng 4-3, mực nước tại cửa bể hút chỉ còn 3,01m (dưới mức cho phép máy hoạt động 22cm)".

Ông Lê Duy Trinh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa- cho biết thêm: "Theo dự báo, tháng 3 và tháng 4 sẽ hạn gay gắt, trong khi mực nước tại các sông chính của tỉnh là sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày đã xuống mức thấp lịch sử. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo phải tập trung bơm nước từ sông vào các hệ thống kênh mương nội đồng dự trữ để chống hạn".

Hiện nay, 220 trạm bơm (700 máy bơm) của tỉnh đã và đang hoạt động hết công suất để bơm nước chống hạn cho 125.000ha lúa chiêm xuân của toàn tỉnh. Ngành nông nghiệp dự kiến chi khoảng 77 tỉ đồng cho việc chống hạn năm nay.

Theo TTO

Có thể bạn quan tâm