Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về việc thành lập thị xã, các phường thuộc thị xã của các tỉnh Phú Yên, Bình Định và Thanh Hóa.
Thành lập thị xã Đông Hòa
Tại Nghị quyết số 931/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị xã Đông Hòa và các phường thuộc thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Sau khi thành lập, thị xã Đông Hòa có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 5 phường: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Trung, Hòa Vinh, Hòa Xuân Tây và 5 xã: Hòa Tâm, Hòa Tân Đông, Hòa Thành, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị thành lập Tòa án nhân dân thị xã Đông Hòa trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Đông Hòa; thành lập Viện kiểm sát nhân dân thị xã Đông Hòa trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Đô thị Hòa Vinh được tập trung đầu tư khang trang. Ảnh: baophuyen.com.vn |
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2020.
Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, tỉnh Phú Yên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 110 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 83 xã, 21 phường và 6 thị trấn.
Thị xã Hoài Nhơn có 17 đơn vị hành chính cấp xã
Theo Nghị quyết số 932/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị xã Hoài Nhơn trên cơ sở toàn bộ 420,84 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 212.063 người của huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thành lập các phường thuộc thị xã Hoài Nhơn.
Sau khi thành lập, thị xã Hoài Nhơn có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 phường: Bồng Sơn, Hoài Đức, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Xuân, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam và 6 xã: Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Phú, Hoài Sơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập Tòa án nhân dân thị xã Hoài Nhơn trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Hoài Nhơn và thành lập Viện kiểm sát nhân dân thị xã Hoài Nhơn trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2020.
Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 159 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 117 xã, 32 phường và 10 thị trấn.
Thành lập thị xã Nghi Sơn
Theo Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị xã Nghi Sơn trên cơ sở toàn bộ 455,61 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 307.304 người của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; thành lập các phường thuộc thị xã Nghi Sơn.
Sau khi thành lập, thị xã Nghi Sơn có 31 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 phường: Bình Minh, Hải An, Hải Bình, Hải Châu, Hải Hòa, Hải Lĩnh, Hải Ninh, Hải Thanh, Hải Thượng, Mai Lâm, Nguyên Bình, Ninh Hải, Tân Dân, Tĩnh Hải, Trúc Lâm, Xuân Lâm và 15 xã: Anh Sơn, Các Sơn, Định Hải, Hải Hà, Hải Nhân, Hải Yến, Nghi Sơn, Ngọc Lĩnh, Phú Lâm, Phú Sơn, Tân Trường, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Trường Lâm, Tùng Lâm.
Tòa án nhân dân thị xã Nghi Sơn được thành lập trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia. Viện kiểm sát nhân dân thị xã Nghi Sơn được thành lập trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2020.
Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 23 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 481 xã, 50 phường và 28 thị trấn.
Các Nghị quyết trên nêu rõ: Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa, các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
P.V TTXVN