Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thành lập một số phường, thị trấn thuộc tỉnh Đồng Nai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất; thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch và 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

 (Ảnh minh họa: Lê Xuân/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Lê Xuân/TTXVN)



Sáng 10/5, với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất; thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch và 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Thống Nhất là huyện trung du của tỉnh Đồng Nai, nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh, là cửa ngõ đi các tỉnh miền Trung, Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Huyện có nhiều tiềm năng và thế mạnh, là nơi hội tụ các đầu mối giao thông huyết mạch của quốc gia, khá thuận lợi trong việc thu hút đầu tư từ bên ngoài để hình thành các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch sinh thái.

Trong những năm gần đây, quá trình phát triển kinh tế-xã hội và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn các xã dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị trấn Dầu Giây, đã tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, kể từ khi thành lập huyện Thống Nhất đến nay, huyện chưa có trung tâm huyện lỵ trực thuộc (thị trấn).

Vì vậy, việc thành lập thị trấn Dầu Giây trên cơ sở điều chỉnh địa giới các xã Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Xuân Thạnh, Quang Trung thuộc huyện Thống Nhất là rất cần thiết, phù hợp với quy luật phát triển và thuận tiện cho công tác quản lý địa giới hành chính.

Việc thành lập thị trấn Dầu Giây nhằm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Theo Tờ trình về việc thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, những năm qua, Hiệp Phước đã có những bước phát triển về kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực sang công nghiệp và xây dựng, thương mại-dịch vụ; thu ngân sách đạt khá...

Thực tế phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa của xã Hiệp Phước đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như: quản lý công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; kết cấu hạ tầng kỹ thuật; dân cư...

Điều này đòi hỏi xã Hiệp Phước phải chuyển đổi từ mô hình quản lý nông thôn sang mô hình quản lý đô thị. Do đó, việc thành lập thị trấn Hiệp Phước là cần thiết nhằm mang lại hiệu quả trong công tác quản lý lãnh thổ; phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai và của huyện Nhơn Trạch.

Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Nhơn Trạch nói chung và xã Hiệp Phước nói riêng.

Tờ trình về việc thành lập 6 phường An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nêu rõ, việc thành lập 6 phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 6 xã là yêu cầu cấp bách, cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị để quản lý, điều hành, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.

Việc thành lập 6 phường trên phù hợp với quy hoạch chung của thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, điều kiện thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất; thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch; 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa đã bảo đảm các điều kiện quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc thành lập thị trấn Dầu Giây trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của 4 xã thuộc huyện Thống Nhất; thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch và 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đã đáp ứng đủ quy định của pháp luật.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, sau khi tỉnh Đồng Nai thành lập 2 thị trấn và 6 phường, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các đơn vị hành chính này về cơ bản vẫn được giữ nguyên do được nâng nguyên trạng từ các xã. Tuy nhiên, việc thành lập 8 đơn vị hành chính đô thị cấp xã sẽ phát sinh mới 8 đơn vị công an phường và thị trấn là các tổ chức công an chính quy.

Theo các Đề án của Chính phủ, việc này không làm tăng thêm biên chế lực lượng công an tỉnh Đồng Nai. Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan trình Đề án làm rõ hơn về việc bố trí số lượng biên chế cán bộ, chiến sỹ, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất... của các tổ chức công an sẽ được thành lập.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cần có kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có của 8 xã, đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền ở đô thị.

Ủy ban Pháp luật thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch và 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Trong phiên làm việc sáng 10/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội.

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm