Pháp luật

Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá đường dây quy mô lớn làm giả giấy tờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tính đến thời điểm bị phát hiện, Thành - đối tượng chủ mưu - đã làm được sáu tháng, bình quân mỗi tháng làm 600 tài liệu giả các loại, thu lợi bất chính khoảng 720 triệu đồng đến 900 triệu đồng.
Các đối tượng trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu bị bắt. (Nguồn: Lao Động)

Các đối tượng trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu bị bắt. (Nguồn: Lao Động)

Ngày 9/6, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức quy mô lớn. Băng nhóm này đã làm giả nhiều giấy đăng ký phương tiện giao thông, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định phương tiện giao thông đường bộ...

Sau thời gian theo dõi, vào khoảng 15h30 ngày 29/5, trước cổng một chung cư trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, Công an bắt và thu giữ của Lương Triều Vỹ (sinh năm 2001, hộ khẩu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) một thùng tài liệu nghi giả.

Đồng thời, tại đường Bùi Hữu Nghĩa (Phường 2, quận Bình Thạnh), một tổ công tác bắt và thu giữ của Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1996, hộ khẩu Hải Phòng) một thùng tài liệu nghi giả.

Tiếp tục khai thác, mở rộng vụ án, Ban chuyên án bắt giữ các đối tượng liên quan, gồm: Trần Tiến Thành (tên khác là “Tín,” sinh năm 1988), Trần Tiến Đạt (sinh năm 1995, em ruột Thành), Nguyễn Thị Thanh Xuân (sinh năm 1985, bạn gái Thành), Nguyễn Minh Hải (sinh năm 1992), Lưu Trường Giang (sinh năm 2002), Bùi Phạm Yến Nhi (sinh năm 1997), Bùi Thị Ngọc Hiếu (sinh năm 1996), Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1992), Nguyễn Văn Quyết (sinh năm 1994) và Ngô Văn Tùng (sinh năm 1996).

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng, Công an thu giữ hơn 450 giấy tờ các loại, trong đó có chứng minh nhân dân, bằng cấp các loại, chứng chỉ đào tạo, hành nghề, giấy phép lái xe môtô, ôtô, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa, giấy đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, tài liệu là phiếu lý lịch tư pháp... và nhiều tài liệu, tang vật khác có liên quan.

Theo điều tra, đây là băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, có sự phân công vai trò, nhiệm vụ của từng nhóm, từng đối tượng. Trong đó, Trần Tiến Thành là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thuê, tuyển nhiều đồng phạm cùng tham gia thực hiện gồm: Lưu Trường Giang, Lương Triều Vỹ, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Bùi Phạm Yến Nhi, Bùi Thị Ngọc Hiếu, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Hưng và Ngô Văn Tùng. Ngoài ra, các đối tượng này còn móc nối với Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Minh Hải để nhận làm giả các loại giấy tờ.

Trần Tiến Thành lên mạng xã hội đặt mua bằng lái xe giả và thấy việc làm giả có lợi nhuận nên nảy sinh ý định làm giả các tài liệu để bán kiếm tiền. Khoảng tháng 12/2022, Thành cùng Trần Tiến Đạt thuê căn hộ chung cư trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức làm nơi cất giữ và đóng gói giấy tờ giả; thuê nhà trên đường 79, phường Phước Long B làm nơi sản xuất giấy tờ giả.

Thành mua các thiết bị phục vụ cho việc làm giả giấy tờ như: máy tính, máy in, máy ép nhựa, máy photocopy...; thuê Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lương Triều Vỹ, Lưu Trường Giang, Bùi Phạm Yến Nhi, Bùi Thị Ngọc Hiếu phụ giúp Thành trong việc làm giả giấy tờ, đóng gói, giao nhận giấy tờ giả.

Thành mua qua mạng một bộ file chứa các thông tin, tài liệu như văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng kiểm, sổ tiết kiệm ngân hàng… với giá 15 triệu đồng, chuyển bộ file này cho Nhi lưu trong USB để sử dụng làm giấy tờ giả.

Để tìm kiếm khách hàng, Thành đăng tin nhận làm bằng cấp các loại trên mạng xã hội hoặc thông qua những người môi giới để nhận đặt “hàng” làm giấy tờ giả. Khi “cò” chuyển thông tin về khách đặt làm giấy tờ giả qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Telegram..., Thành báo cho Nhi để Nhi dùng máy vi tính, lấy file văn bằng tương ứng, chỉnh sửa thông tin của khách hàng, rồi dùng máy in màu để in ra. Bùi Thị Ngọc Hiếu phụ giúp Nhi photo các giấy tờ giả thành nhiều bản rồi đóng dấu công chứng giả, cho giấy tờ giả vào bao nylon...

Trung bình mỗi ngày Thành cùng đồng phạm làm giả khoảng 20 tài liệu các loại, mỗi tài liệu giả thu về số tiền dao động từ 200.000-250.000 đồng. Tính đến thời điểm bị phát hiện, Thành đã làm được khoảng sáu tháng, bình quân mỗi tháng làm khoảng 600 tài liệu giả các loại, thu lợi bất chính số tiền khoảng 720 triệu đồng đến 900 triệu đồng.

Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.

Có thể bạn quan tâm