Thời sự - Bình luận

Bắt kẻ sử dụng sổ đỏ giả lừa đảo, nhưng bọn làm giấy tờ giả thì sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xử lý người sử dụng sổ đỏ giả mới chỉ xử cái ngọn, còn cái gốc là các băng nhóm làm giấy tờ giả, gồm sổ đỏ, sổ hồng, hộ chiếu, căn cước công  dân.
Nhan nhản các hội, nhóm làm sổ đỏ giả, GCNQSĐ giả. Ảnh: Chụp màn hình

Nhan nhản các hội, nhóm làm sổ đỏ giả, GCNQSĐ giả. Ảnh: Chụp màn hình

Ngày 7.3, trong quá trình làm việc, một phòng công chứng trên địa bàn thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện một giao dịch bất động sản mà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu làm giả.

Phòng công chứng đã nhận định đối tượng có hành vi làm sổ giả, thay đổi thông tin để đứng tên chủ thửa đất, nên trình báo cơ quan công an vào cuộc điều tra, mời đối tượng về trụ sở để làm việc.

Có được bao nhiêu trường hợp bị phát hiện, tránh cho nạn nhân bị một vụ lừa đảo như vậy, trong khi giấy tờ giả tràn lan.

Đã có nhiều trường hợp kẻ gian sử dụng sổ đỏ, sổ hồng, giấy tờ giả để lừa đảo, đến khi phát hiện ra thì mọi sự đã xong. Tiền bạc của nạn nhân mất vào tay bọn lừa đảo thì cho dù bọn chúng có bị bắt cũng không dễ dàng thu hồi lại.

Ngăn chặn bọn tội phạm lừa đảo này bằng cách nào? Phát hiện của công chứng viên như trường hợp nêu trên là may mắn cho "con mồi".

Khả năng tự phát hiện của người dân như phòng công chứng dặn dò rằng, sổ đỏ giả có thể được phát hiện qua màu sắc, hoa văn, thông tin cá nhân bị sai lệch. Hoặc: "Nếu thấy có những bất thường trong giao dịch như giá bán thấp; hối thúc giao dịch nhanh; đàm phán giảm giá quá dễ dàng; cung cấp thông tin mập mờ... thì người dân cần phải cẩn trọng hơn".

Nhưng chỉ như vậy là thụ động, cái gốc là ở các băng nhóm làm giấy tờ giả. Trong bài "Tràn lan dịch vụ làm sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả" đăng ngày 15.2, Báo Lao Động cảnh báo, không khó để tìm kiếm một địa chỉ làm giả sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “Dịch vụ làm giả sổ đỏ”, “Làm sổ đỏ giả nhanh nhất”… thì hàng trăm kết quả hiện ra trong vòng vài giây.

Giá một cuốn sổ giả chỉ khoảng 1,5 - 3,5 triệu đồng. Với chừng đó tiền bỏ ra, bọn lừa đảo có thể lừa được tiền tỉ. Vậy thì phải trị bọn sản xuất giấy tờ giả đang giao dịch công khai trên mạng xã hội.

Trả lời Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống Luật sư X (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) khẳng định việc làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một hành vi vi phạm pháp luật.

Làm giấy tờ giả là vi phạm pháp luật, nhưng tại sao bọn chúng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, gây đau khổ cho người lương thiện, tạo ra bao nhiêu hậu quả khác cho xã hội.

Tháng 12.2022, Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá đường dây làm giấy tờ giả, bắt 7 đối tượng. Nhưng còn nhiều đường dây khác vẫn đang hoành hành, gây họa cho người dân.

Có thể bạn quan tâm