Phóng sự - Ký sự

Thành phố ở Việt Nam: 'Hai tiếng thiêng liêng quê mình Quảng Ngãi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những người ở địa phương nào cũng có tâm lý muốn địa phương mình phát triển nhanh. Tôi cũng vậy. Nhiều lúc cũng sốt ruột vì tốc độ phát triển của Quảng Ngãi mình chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân bản địa.

Thành phố Quảng Ngãi, nơi gia đình tôi đã ở đúng 35 năm, bây giờ nhìn những đường phố còn khiêm nhường lắm, chưa thật sự to đẹp.

Nhưng Quảng Ngãi có Lý Sơn.

Từ mấy năm nay, lượng khách du lịch đi về huyện đảo Lý Sơn hàng năm rất đông, nhất là vào cuối xuân đầu hạ. Có lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Quảng Ngãi. Và Lý Sơn tha hồ đón khách từ cả nước tụ về, nhất là khách từ phía Bắc. Tôi có những người bạn ở Hà Nội, mỗi lần về Quảng Ngãi đều phải đi Lý Sơn vài ngày mới yên tâm.

Huyện đảo Lý Sơn

Huyện đảo Lý Sơn

Tỉnh Quảng Ngãi đã có kế hoạch và dự án xây dựng Lý Sơn thành điểm du lịch tầm quốc gia, gồm cả đảo Lớn và đảo Bé. Khi dự án hoàn thành, chắc chắn lượng khách du lịch về Lý Sơn sẽ rất đông. Ai đi Lý Sơn về cũng đều công nhận Lý Sơn đẹp, đảo Lớn là nơi tham quan các di tích và vui chơi, đảo Bé là nơi nghỉ dưỡng, với những homestay giản dị và tấm lòng rộng mở ân cần của người dân đảo Bé.

Nhưng Quảng Ngãi của tôi đâu chỉ có Lý Sơn.

Tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt dự án công viên Thiên Bút, gồm một tổ hợp vừa công viên vừa bảo tàng và thư viện. Trên đỉnh núi Thiên Bút sẽ có một rừng cây xanh chọn lọc, là nơi sẽ phục dựng Tháp Chăm. Dưới chân núi Thiên Bút sẽ là công viên rộng lớn vừa là nơi vui chơi và thư viện, có cả trung tâm dành cho nghiên cứu khoa học. Có bức tượng rất đẹp bác Phạm Văn Đồng ngồi ung dung đọc sách. Mấy năm nữa thôi, ai về Quảng Ngãi sẽ thú vị vì công viên Thiên Bút mà biểu tượng là ngọn bút viết lên mây trắng, khuyến học khuyến tài.

Rừng dừa nước Cà Ninh (xã Bình Phước, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Rừng dừa nước Cà Ninh (xã Bình Phước, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Quảng Ngãi còn núi Cà Đam thuộc Tây Trà là một "mỏ vàng" du lịch khám phá và là nơi trồng những loại sâm quý, trong đó có giống sâm Ngọc Linh. Cà Đam chưa được khai thác phục vụ cho kinh tế và du lịch. Nhưng sẽ đến lúc Quảng Ngãi không thể chậm chạp với dự án nhiều tỉ đồng này.

Ai rồi cũng có lúc chợt giật mình vì thời gian trôi nhanh quá, thời gian không chờ ai cả. Quảng Ngãi cũng vậy thôi.

Những địa danh phía miền núi Quảng Ngãi ở Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây… nếu phát triển thành những điểm du lịch khám phá sẽ thu hút được khách, nhất là khách trẻ.

Có một huyện cận kề thành phố Quảng Ngãi là huyện Nghĩa Hành đang phát triển hình thức du lịch nông trại, với những vườn cây ăn quả, những thác nước nhỏ và hồ nuôi cá, nuôi chình, khách về những nơi đó được trải nghiệm công việc của nhà nông, được buông cần câu cá, được ăn những bữa cơm như những người nông dân thường ăn. Du lịch thôn quê như thế bây giờ cũng đã phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt là Hội An.

TP.Quảng Ngãi về đêm

TP.Quảng Ngãi về đêm

Vừa rồi vợ chồng đứa con và các cháu nội tôi từ TP.HCM về quê đã đi Ba Làng An thăm thú một cảnh đẹp lâu nay gần như "bị bỏ quên" của vùng biển Quảng Ngãi. Phải nói, Ba Làng An là làng dọc bờ biển có cảnh đẹp thật tuyệt vời. Những tiềm năng du lịch như thế ở quê hương Quảng Ngãi tôi còn khá nhiều, chưa được khai thác hoặc khai thác dở dang.

Phải nói, với đất địa Quảng Ngãi, không cần những hình thái du lịch cỡ lớn như những resort sang trọng, những sân golf hoành tráng, mà rất cần những điểm du lịch nhỏ nhưng đẹp, mát mẻ về mùa nắng nóng và ấm áp về mùa mưa gió.

Sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi

Sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi

Nhỏ nhẹ, chân chất, dễ thương, đó là đất và người Quảng Ngãi.

Nếu bạn về Sa Huỳnh - Đức Phổ, tới Châu Me thưởng thức hải sản và ngắm nhìn vịnh biển quá đẹp và mát mẻ, bạn sẽ thấy Quảng Ngãi còn ẩn giấu nhiều điểm du lịch thiên nhiên đáng tới lắm đấy.

Có một nhà báo Nhật Bản tên Suzuki năm ngoái đã về thăm Quảng Ngãi. Ông đang là giám đốc một công ty du lịch, muốn đưa khách du lịch Nhật Bản về Quảng Ngãi. Ông đã chọn được hai điểm du lịch mang tính lịch sử của Quảng Ngãi là Bảo tàng Sơn Mỹ và Bảo tàng tưởng niệm anh hùng - bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Một điểm ở Sơn Tịnh, còn một điểm ở Đức Phổ. Tháng 9 này đoàn du lịch Nhật Bản đầu tiên do ông Suzuki dẫn dắt sẽ về Quảng Ngãi thăm 2 điểm du lịch ấy.

Nét đẹp Sa Huỳnh, Quảng Ngãi

Nét đẹp Sa Huỳnh, Quảng Ngãi

Đúng như ca khúc "Quảng Ngãi trong tôi" của nhạc sĩ Đình Thậm, một người con Quảng Ngãi đang sống ở Đà Nẵng, "Quảng Ngãi quê mình" là mảnh đất không chỉ anh hùng mà còn đầy thương nhớ, chỉ mộc mạc mà ai đã tới một lần sẽ không sao quên được. Những địa danh trong bài hát nổi tiếng này cũng là những điểm du lịch của Quảng Ngãi, xin giới thiệu với các bạn:

Quảng Ngãi quê mình trăm mến ngàn thương

Bao đời còn đây La Hà Thạch Trận

Sông Trà trong xanh Sa Huỳnh muối trắng

Cổ Lũy Cô Thôn thấp thoáng sương mờ

Những buổi chiều về Đồng Ké Ba Gia

Tôi nhớ con đò Long Đầu Hý Thủy

Mộ Đức lúa vàng làng quê Sơn Mỹ

Tư Nghĩa Bình Sơn rừng mía ngọt ngào

Tuổi thơ tôi có bao tiếng mẹ ru

Mẹ hát câu hò tình tang ba lý

Vọng bến Tam Thương ánh trăng tri kỷ

Thiên Bút vờn mây vương vấn tình người

Thiên Ấn Niêm Hà sông Trà còn đây

Tình yêu trong tôi như dòng nước đầy

Hai tiếng thiêng liêng quê mình Quảng Ngãi

Xao xuyến lòng tôi thương nhớ trọn đời…

Quảng Ngãi được biết đến là một mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học, đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo.

Về tự nhiên, Quảng Ngãi nằm ở khoảng giữa đất nước Việt Nam, trên đường từ Bắc vào Nam, dọc theo Biển Đông, tựa mình vào một vùng Tây nguyên rộng lớn thuộc tỉnh Kon Tum, có đường bộ nối liền sang các nước Đông Nam Á. Đây là một vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược không chỉ về quân sự mà cả về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa.

Mảnh đất này còn là nơi giao thoa của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt; là cầu nối để người Việt tiến dần vào phía Nam và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng dân cư tại chỗ để khai phá vùng đất này, mở rộng biên cương Tổ quốc ngày nay.

Thái Thanh (tổng hợp)

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm