Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy nền kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó dự kiến sẽ đóng góp 30% GRDP cho TPHCM và chiếm 7% GDP cả nước.
Khu phía đông TPHCM (Thành phố Thủ Đức tương lai) - nơi tập trung các dự án hạ tầng lớn được xây dựng, trong đó có dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoàn thành cuối năm 2021. Ảnh: Minh Quân |
Sáng ngày 19.9, Bộ Nội vụ phối hợp với UBND TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Đề án không tổ chức HĐND quận, phường; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại TPHCM giai đoạn 2019-2021 và Đề án thành lập thành phố Thủ Đức.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, thành phố đã lồng ghép vào đó Đề án thành lập thành phố Thủ Đức.
Đơn vị hành chính mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) với diện tích hơn 211 km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người. Thành phố Thủ Đức sau khi thành lập sẽ đóng vai trò là trung tâm thực hiện mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hạ tầng, thương mại khép kín.
“Với những lợi thế hiện có, đơn vị hành chính mới được kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy nền kinh tế thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ đóng góp 30% GRDP cho TPHCM và chiếm 7% GDP cả nước” – ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm báo chí |
Về đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, trước đây TPHCM có 7 năm (giai đoạn 2009 - 2016) thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. TPHCM là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vào thời điểm thí điểm, cơ sở pháp lý còn chưa vững chắc nên chưa thể triển khai nhân rộng.
Thực tiễn cho thấy, khi thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, quyền dân chủ của người dân vẫn được đảm bảo, tinh gọn bộ máy và khắc phục được sự trùng lắp về nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính hiệu lực xuyên suốt, nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.
Đặc biệt, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, chăm lo đời sống người dân TPHCM. “Điều đó có thể nhận thấy, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không quá phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND quận, huyện, phường” – ông Phong nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm báo chí |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc lấy ý kiến cho 2 đề án là rất quan trọng để đảm bảo thống nhất các nội dung liên quan và hoàn chỉnh các thiếu sót với mục tiêu chung là giữ vững vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất nước của TPHCM.
Từ những ý kiến trao đổi của các bộ - ngành, các cơ quan Trung ương, các đơn vị của TPHCM, Bộ Nội vụ sẽ cùng UBND TPHCM tổng hợp, hoàn thiện các đề án trình Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất.
MINH QUÂN (LĐO)