Đô thị

Thanh tra Chính phủ "vạch" sai phạm 2 dự án BT ở Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù chưa được bàn giao mặt bằng, nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thi công ở 2 dự án BT tại tỉnh Bình Định khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng.
Ngày 11/8, Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Định trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định.
"Lộ diện" sai phạm ở dự án BT
Kiểm tra việc quản lý đầu tư xây dựng (từ ngày 1/1/2013-31/12/2017), Thanh tra Chính phủ xác định, tại dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài, dự án cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa (thực hiện theo hình thức BT) và dự án thanh toán (Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hoà), UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức mời gọi đầu tư theo hình thức BT, kết quả chỉ có duy nhất nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc tham gia.
Năm 2014, tỉnh Bình Định giao cho Công ty Phúc Lộc là nhà đầu tư thực hiện 2 dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hoà theo hình thức BT, giao dự án khác để thanh toán cho nhà đầu tư được xác định là dự án khai thác quỹ đất của Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hoà, cho nhà đầu tư triển khai cùng lúc.
 
Khu vực giới thiệu về dự án Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hoà. Ảnh; Dũ Tuấn.
Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hoà được triển khai nhưng UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa làm thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt dự án Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hoà, để có quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Quá trình triển khai dự án, Sở TNMT, UBND TP.Quy Nhơn chậm hoàn tất giải phóng mặt bằng và trình UBND tỉnh bàn giao đất cho nhà đầu tư để triển khai dự án, cần phải chấn chỉnh kịp thời. Mặc dù chưa được bàn giao mặt bằng nhưng nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thi công một số công trình, hạng mục dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hoà khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công, Giấy phép xây dựng được phê duyệt là vi phạm quy định quản lý xây dựng.
Theo Thanh tra Chính phủ, nhà đầu tư chậm lập các thủ tục điều chỉnh dự án, thiết kế, bản vẽ thi công - dự toán công trình để trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt. Chậm ứng kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án BT, Khu đô thị- Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa và kinh phí rà phá bom mìn vật nổ, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ (7,6ha), chậm xây dựng khu tái định cư cho người dân.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, Ban Quản lý dự án đã chậm đàm phán, điều chỉnh và hoàn thiện hợp đồng hai dự án BT, thiếu quyết liệt trong việc xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư, để nhà đầu tư tổ chức khởi công, thi công công trình khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng.
 
Nhiều người dân ngăn cản thi công dự án Xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng hạ lưu sông Hà Thanh do chưa thỏa thuận đền bù vào năm 2018. Ảnh tư liệu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định quyết định phê duyệt dự án Xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng sông Hà Thanh và quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án với tổng mức đầu tư 3.006 tỉ đồng (gồm 90% ngân sách Trung ương và 10% địa phương) khi chưa đầy đủ căn cứ, cơ sở nên không triển khai thực hiện dự án như đã phê duyệt.
Theo Thanh tra Chính phủ, mặc dù tỉnh Bình Định đã dùng ngân sách địa phương tạm ứng theo hợp đồng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc 201 tỉ đồng, đến nay vẫn còn dư ứng 137,123 tỉ đồng, đã quá thời hạn hoàn thành khối lượng thanh toán 6 tháng nhưng chưa được thu hồi.
"Buông lỏng" quản lý 
Thanh tra Chính phủ xác định, kiểm tra hồ sơ pháp lý một số dự án cho thấy, việc Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư và tạm bàn giao 180,081ha đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý khi chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 là không phù hợp quy hoạch sân golf  Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt. Sau đó đến ngày 24/11/2015, Thủ tướng mới có văn bản đồng ý bổ sung dự án sân golf vào quy hoạch.
Đối với dự án Học viện golf, Khu biệt thự nghỉ dưỡng Học viên golf, công viên động vật hoang dã không có trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đã được Thủ tướng phê duyệt. Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới Nhơn Hội do UBND tỉnh phê duyệt, Ban quản lý khu kinh tế Nhơn Hội trình cho UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 và cùng các ngành liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư là không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được Thủ tướng phê duyệt.
Việc Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội trình UBND tỉnh phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh các Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 công trình quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý với diện tích 183,74 ha, diện tích xây dựng 101.854 m2, đến lần điều chỉnh thứ ba thì tăng thành 209,55ha, diện tích xây dựng là 147.110m2 khi chưa được Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, UBND tỉnh chưa điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 là không phù hợp. Đến nay, UBND tỉnh đã có trình Bộ Xây dựng cập nhật các dự án này vào nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế.
 
Bên trong dự án Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hoà vẫn chưa hoàn thành. Ảnh; Dũ Tuấn.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội để nhà đầu tư triển khai thi công thực hiện dự án khi chưa đủ điều kiện như: giấy phép xây dựng, biện pháp thi công, hồ sơ pháp lý quyền sử dụng đất là vi phạm quy định của Luật xây dựng.
Việc cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án có đất ở không hình thành đơn vị ở (condotel) là chưa có quy định pháp luật.
Đối với một số dự án khác, theo Thanh tra Chính phủ, một số dự án do các Ban quản lý Dự án của tỉnh, UBND các huyện và các sở làm chủ đầu tư có vi phạm quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
Theo đó, dự án gói thầu được chỉ định thầu chưa phù hợp với Luật đấu thầu như: dự án kênh tiêu úng Bàu Chánh Trạch, huyện Phù Mỹ có gói thầu được chỉ định thầu vượt hạn mức, dự án thay thế 22 bó cáp dự ứng ngoài và 12 khe co giãn cầu Thị Nại chỉ định thầu không đúng tính chất cấp bách.
Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, vi phạm Luật đầu tư công như: dự án khu dân cư thị trấn Vĩnh Thạnh, dự án sửa chữa đường ĐT637, dự án đầu tư xây dựng trung tâm cá Koi Nhật Bản- Bình Định.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công công trình xây dựng khi chưa xác định và bố trí được nguồn vốn hoặc xác định vốn không cụ thể, vi phạm chỉ thị của Thủ tướng như: công trình điểm tái định cư Công Chánh thị trấn Tuy Phước - Khu tái định cư dự án ĐTXD mở rộng quốc lộ 1 huyện Tuy Phước, tuyến đường BTXM vào nhà máy may Phù Cát đoạn từ nhà máy may Nhà Bè đến đường tỉnh lộ ĐT 635 cũ.
Thiếu sót trong đấu giá đất đai
Theo Thanh tra Chính phủ, một số UBND huyện và đơn vị tổ chức đấu giá không ban hành nội quy bán đấu giá quyền sử dụng đất và quy chế đấu giá riêng cho từng phiên đất giá là chưa đúng quy định của Chính phủ và Luật đấu giá tài sản như: UBND huyện Phù Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TX.An Nhơn.

Thông báo công khai việc đấu giá quyền sử dụng đất chưa đầy đủ nội dung, không lập biên bản niêm yết công khai có xác nhận của địa phương nơi có tài sản, thời gian niêm yết không đủ 30 ngày theo quy định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản như: UBND huyện Tây Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, TX.An Nhơn.  

Dũ Tuấn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm