Phóng sự - Ký sự

Thanh xuân gửi lại những cánh rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những người phụ nữ ấy đã trải qua những tháng ngày thanh xuân nơi rừng thiêng, nước độc. Để rồi khi ngoảnh mặt lại, tuổi xanh qua đi, họ chỉ còn biết ngậm ngùi sống một đời lặng lẽ dưới mái nhà vắng tiếng đàn ông.

Những người tiên phong

Tại tổ dân phố 8 (phường Yên Thế, TP. Pleiku) từ lâu vẫn tồn tại một… xóm không chồng ở cuối đường Lương Thế Vinh với khoảng trên 10 hộ. Bà N.T.Q. (SN 1964)-một cư dân của xóm cho biết, những người phụ nữ nơi đây hầu hết là công nhân của Xí nghiệp Khai hoang đồng ruộng (thuộc Trung đoàn 708, Sư đoàn 331). Bên chén trà xanh, bà Q. bồi hồi lật lại từng trang ký ức của hơn 30 năm về trước. Những phụ nữ trong xóm hầu hết đều xuất thân từ Thái Bình, Hà Tĩnh. Đầu năm 1984, bộ đội về làng vận động thanh niên nam nữ đi làm công nhân đóng gói bao bì cà phê xuất khẩu tại Tây Nguyên. Đang chân lấm tay bùn nơi đồng ruộng hay cầm con thoi dệt vải ở miền quê nghèo khó, họ tình nguyện đăng ký đi làm công nhân với ước mơ về một cuộc sống ấm no hơn cũng như thỏa chí tuổi trẻ.

 

Xóm không chồng của những nữ công nhân làm mẹ đơn thân. Ảnh: V.N
Xóm không chồng của những nữ công nhân làm mẹ đơn thân. Ảnh: V.N

Chuyến tàu Bắc Nam đi suốt 3 đêm đưa hàng ngàn người con miền Bắc vào Tây Nguyên dừng ở ga Diêu Trì (tỉnh Bình Định). Từ đây, họ lên xe ô tô rồi di chuyển đến những cánh rừng bạt ngàn tùy theo phân chia quân số của từng đơn vị. Bà Q. chia sẻ: “Khi chiếc xe dừng lại ở giữa rừng và cán bộ nói chúng tôi sẽ làm việc ở đây, nhiều người hụt hẫng và hoang mang mà bỏ về. Làng tôi có 17 người đi thì có đến hơn 10 người bỏ về ngay hôm ấy. Còn chúng tôi cũng sợ lắm vì nghĩ làm ở nhà máy, xí nghiệp gì đó chứ chưa bao giờ thấy cảnh rừng núi hoang vu như vậy. Nhưng còn chị, còn em nương tựa nhau, một khi đã từ biệt cha mẹ ra đi không lẽ lại bỏ về giữa chừng”.

Thế rồi, những người ở lại đã phải trải qua những tháng ngày khổ cực nhưng cũng đầy hào hùng của tuổi trẻ. Trung đoàn 708 khi đó làm nhiệm vụ khai hoang, dọn đất rừng rồi bàn giao cho các đơn vị khác làm nông trường cà phê, cao su ở khắp vùng huyện Ia Grai, Đức Cơ, Kbang và huyện Đak Uy (tỉnh Kon Tum). Bà T.T.H. (SN 1965) kể lại: “Đi đến đâu, đoàn công nhân lại chặt cây rừng, chặt tre, nứa rồi cắt cỏ tranh để làm lán trại. Những phụ nữ liễu yếu đào tơ nay phải cầm búa, cầm cuốc đi theo máy ủi dọn cây rừng, san mặt bằng đến phồng rộp đôi tay. Những ngày đầu, bàn tay rơm rớm máu nhưng rồi chai sạn, thô ráp dần như tay đàn ông”.

Quần quật làm việc cả ngày, những người phụ nữ của Xí nghiệp Khai hoang đồng ruộng còn phải đối mặt với những trận sốt rét thập tử nhất sinh, với vắt rừng. Bà H. bảo, nhiều hôm mải mê cuốc đất, không để ý đến lũ vắt, khi về lán trại thấy vắt no máu tự rụng xuống mới giật mình. “Ngày ấy ăn uống kham khổ lắm, gạo không đủ ăn. Nhiều hôm, chúng tôi phải ăn rau tàu bay qua ngày. Khi nào có đợt tổng kết hoặc Tết mới có thịt ăn. Tối đến, chị em khóc rưng rức cả đêm vì nhớ nhà”-bà H. bùi ngùi nhớ lại.

Làm mẹ nhưng chưa một lần làm vợ

Gắn cả tuổi thanh xuân với những cánh rừng của đất Tây Nguyên, ngoảnh lại, những nữ công nhân chợt nhận ra mình đã “quá lứa lỡ thì”. Bộ đội làm kinh tế thì đã ra quân về lại các miền quê, những thợ máy cũng đều đã có gia đình nên Xí nghiệp rơi vào cảnh thiếu… đàn ông. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, họ bắt đầu nghĩ đến việc “xin” một đứa con để đỡ cô quạnh. “Đã xác định trước phận mình không kiếm được chồng rồi thì cũng phải có đứa con thủ thỉ quây quần nên chúng tôi chấp nhận xin đàn ông trong Xí nghiệp đứa con và hứa sẽ không giành giật chồng với gia đình người khác, không gây ảnh hưởng gì đến họ. Anh chị em hiểu hoàn cảnh của nhau thì không sao, người ngoài nhìn vào đàm tiếu, chúng tôi cũng đau lòng lắm nhưng biết làm sao”-bà H. thổ lộ.

Thế rồi, những đứa trẻ ra đời trong cảnh “mồ côi” cha từ khi mới lọt lòng mẹ. Chưa một lần mặc áo cưới, họ gánh vác trách nhiệm của cả người mẹ lẫn người cha. Đến năm 1992, khi Xí nghiệp cắt giảm biên chế, hàng loạt công nhân phải thôi việc và nhận mỗi người vài sào đất cho hơn 8 năm cống hiến trên những cánh rừng. Phận mẹ đơn thân nơi đất khách quê người, nhiều người đã nghĩ đến chuyện trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng rồi họ sợ cảnh dị nghị, điều tiếng cho cha mẹ ở quê nên đành chấp nhận ở lại sống côi cút nơi xóm không chồng bây giờ. Bà V.T.T. (SN 1961) nghẹn ngào: “Không có đàn ông trong nhà, mọi việc chúng tôi đều phải cáng đáng cả. Nghỉ làm ở Xí nghiệp, chúng tôi chỉ biết đi làm thuê làm mướn, bốc vác, nhặt phân bò… để kiếm tiền nuôi con ăn học. Tôi xin được 2 đứa con gái, bố của tụi nó ở quê thỉnh thoảng có việc thì lại ghé vào thăm rồi về. Ngày con gái tôi còn nhỏ, cháu hay hỏi mẹ sao bố đi lâu thế không về, tôi chỉ biết quay mặt đi mà khóc. Đến năm cháu 18 tuổi, tôi mới dám nói thật cho cháu biết”.

Bà T. cũng buồn bã kể rằng, khi trước, mỗi lần tổ dân phố bình xét gia đình văn hóa thì đều loại những gia đình đơn thân ra nên ai cũng cảm thấy tủi hổ. Họ cũng không thể đi vay được tiền vì ngân hàng lo họ không trả được nợ. Thiệt thòi đủ đường nhưng họ vẫn gồng mình bán sức lao động để nuôi con thành người. Những đứa bé vắng vòng tay bố năm xưa ở xóm không chồng nay đa phần đều đã nên người, học hành thành tài.

Một thời bi tráng nhưng cũng rất hào hùng đã qua đi. Tại những cánh rừng năm xưa giờ đã bạt ngàn màu xanh của cây cà phê. Có ai biết rằng, nơi đó, những nữ công nhân đã gửi lại cả tuổi thanh xuân của mình mà chưa một lần được mặc áo cưới. 

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm