Kinh tế

Tháo gỡ “điểm nghẽn” để thu hút đầu tư-Kỳ 2: Nhiều vướng mắc, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự chồng chéo trong các quy định, vướng quy hoạch hay sự thiếu tích cực hỗ trợ nhà đầu tư đã khiến nhiều dự án chậm được triển khai, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Gia Lai.

Chồng chéo quy định

Nhiều năm trở lại đây, bãi rác xã Gào (TP. Pleiku) trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân khi nước thải từ bãi rác có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối chảy trực tiếp ra môi trường xung quanh mà không được thu gom, xử lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nơi đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân. Vì vậy, khi TP. Pleiku kêu gọi đầu tư Dự án nhà máy xử lý rác thải đã nhận được sự kỳ vọng rất lớn của người dân. Việc xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải cũng là điều cấp thiết đối với đô thị loại I như Pleiku.

Theo đó, Dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Gào có tổng diện tích 10 ha, quy mô công suất xử lý đạt 200-300 tấn rác/ngày, vốn đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng. Ngày 15-4-2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 113/NQ-HĐND quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác. Theo đó, diện tích rừng xin chuyển đổi là 6,08 ha rừng trồng thông ba lá trên đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Song tới nay, dự án này vẫn chưa thể thực hiện.

Lý giải điều này, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Trong thời gian chờ quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng được phê duyệt thì Dự án nhà máy xử lý rác thải xã Gào phải tạm dừng”.

Chế biến hạt dưa tại Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên. Ảnh: Vũ Thảo

Chế biến hạt dưa tại Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên. Ảnh: Vũ Thảo

Cũng tại xã Gào, 2 dự án đã có nhà đầu tư đăng ký khảo sát nhưng không triển khai các bước tiếp theo và cũng không thông báo lại cho chính quyền địa phương. Đó là Dự án trung tâm sản xuất hạt giống và rau sạch ứng dụng công nghệ cao; Dự án trồng, chế biến, xuất khẩu rau củ quả ứng dụng công nghệ cao.

Ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: “Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đã kiến nghị thu hồi dự án nhiều lần để kêu gọi nhà đầu tư khác, tránh lãng phí quỹ đất. Nhưng do vướng các quy định nên đã 4 năm rồi vẫn chưa thể thu hồi, hủy kết quả sơ tuyển của 2 nhà đầu tư này”.

Đối với trường hợp này, ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: “Sở đã 3 lần trình đề xuất hủy kết quả sơ tuyển nhưng tỉnh đều trả về và yêu cầu làm rõ cơ sở pháp lý, trong khi không có cơ sở pháp lý về điều này. Sở cũng đã mời các nhà đầu tư này lên làm việc, nhưng kết quả là nhà đầu tư không đồng ý hủy. Nhà đầu tư có quyền kiện nếu hủy mà không có cơ sở pháp lý”.

Thực tế cho thấy, sự chồng chéo các quy định giữa Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… đã gây không ít trở ngại đến quá trình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Như Dự án chợ phường Yên Thế (TP. Pleiku) vì vướng hội trường tổ dân phố 5 không thể xử lý theo tài sản công, vướng giá đất, vướng Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên kéo dài đến 11 năm vẫn chưa thể triển khai.

Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh như: công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư còn thực hiện chưa đồng bộ, hiệu quả; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; việc triển khai một số dự án vướng diện tích đất của lâm trường...

Doanh nghiệp bị động

Dự án xây dựng trung tâm cây trồng và trồng, chế biến, trưng bày sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao triển khai tại thôn Hàm Rồng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển MPEX Tây Nguyên làm chủ đầu tư có quy mô hơn 20 ha. Phần đất này nằm trong lô đất trồng đan xen cao su và keo do Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang quản lý. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang trì trệ do Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang chưa bàn giao đất.

Ông Lê Đình Trọng-Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển MPEX Tây Nguyên-cho biết: “Tháng 1-2022, UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang giao đất cho Công ty MPEX. Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã ký biên bản bàn giao mốc đất trên thực địa cho chúng tôi từ ngày 29-1-2022 để thực hiện dự án. Nhưng đến nay, đơn vị này vẫn chưa chịu di dời tài sản trên đất để bàn giao quỹ đất cho chúng tôi. Công ty MPEX kiến nghị nhiều lần, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã mời Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đến họp, tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, sau nhiều lần cam kết thì phía Công ty lấy lý do phải xin ý kiến của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nên vẫn chưa thực hiện”.

Dự án của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển MPEX Tây Nguyên không thể triển khai vì chưa được Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang giao mặt bằng. Ảnh: Hà Duy

Dự án của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển MPEX Tây Nguyên không thể triển khai vì chưa được Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang giao mặt bằng. Ảnh: Hà Duy

Được biết, ngày 22-8-2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có Công văn số 2273/CSVN-TCKT nêu rõ việc quyết định thanh lý, thu hoạch keo lai trồng xen trong vườn cao su thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Song đến nay, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang chưa thu hồi tài sản trên đất, chủ đầu tư đã phải chịu thất thoát hơn 2 tỷ đồng do chuẩn bị vật tư cây giống trong khi dự án vẫn chưa thể triển khai thực hiện.

Tại buổi làm việc mới đây giữa đoàn giám sát của HĐND tỉnh với UBND tỉnh, các sở, ngành và đơn vị có liên quan đến một số dự án đầu tư, ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-giải thích: “Việc chưa giao đất cho MPEX Tây Nguyên là do thủ tục hành chính hơi rắc rối. Hiện trên diện tích đất phải giao có cả cây cao su và cây keo lai. Nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ có văn bản thanh lý cây keo lai mà chưa có cây cao su. Hiện thủ tục chỉ còn một việc là thanh lý cây cao su. Công ty đang chờ quyết định chấp thuận chủ trương của Tập đoàn cho phép thanh lý cây cao su nữa là xong”. Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế thẳng thắn cho rằng: “Giải thích của Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang là rất loằng ngoằng. Chúng tôi sẽ làm việc lại với Công ty để giải quyết dứt điểm việc giao đất cho nhà đầu tư”.

Một dự án khác cũng kéo dài 2 năm chưa thể thực hiện mà chính quyền địa phương cũng vô phương hỗ trợ, đó là Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Công ty TNHH Nông nghiệp SEC triển khai tại xã Glar, huyện Đak Đoa. Dự án có quy mô 68,2 ha nguồn gốc đất thuộc quản lý của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang.

Nói về trường hợp này, ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: “Đất giao cho dự án có vị trí xâm lấn. Do khi tiến hành cấp chủ trương đầu tư và làm hợp đồng cho thuê đất, đơn vị liên quan cấp tỉnh không hề phối hợp với huyện, UBND xã cũng như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đều không biết. Khi UBND huyện nhận được quyết định và văn bản của nhà đầu tư, qua kiểm tra thì các tọa độ trích lục không khớp với thực địa, chồng lấn với địa giới xây dựng. Tỉnh yêu cầu chúng tôi cắm mốc, bàn giao đất nhưng chúng tôi không thể triển khai được”.

Ông Nguyễn Ngọc Minh-Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp SEC-cảm thán: “Đã 2 năm đi tới đi lui, chúng tôi vẫn chưa nhận được đất để triển khai dự án. Điều này thực sự gây tốn thời gian, vốn liếng cũng như cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”.

“Rút lui” vì vướng quỹ đất, quy hoạch

Huyện Đức Cơ có Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh với “sứ mệnh” rất lớn nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư. Đến nay, khu kinh tế này có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đăng ký 556,6 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 242,8 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu thuần của các doanh nghiệp tại khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh đạt hơn 427 tỷ đồng. Kim ngạch xuất-nhập khẩu qua CKQT Lệ Thanh đạt 125,76 triệu USD; thu ngân sách nhà nước tại CKQT Lệ Thanh đạt 13,63 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Thưởng-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh có địa hình đồi núi phức tạp nên khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu trung tâm của Khu Kinh tế. Thời gian qua, một số nhà đầu tư ở Hà Nội và nước ngoài đến khảo sát nhưng sau đó phải “rút lui”. Lý do cơ bản là vì địa hình quá dốc nên họ không thể bỏ kinh phí ra san ủi mặt bằng tại khu làm dự án mặc dù đường sá đã hoàn thiện.

Bên cạnh đó, vị trí quy hoạch lại vướng đất người dân đang sản xuất nông nghiệp, trong khi chưa tiến hành đền bù. Đây là vấn đề doanh nghiệp rất dè chừng. Nếu có quỹ đất sạch, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư. Ngoài ra, do không có cơ chế riêng khuyến khích đầu tư vào Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh, môi trường lại chưa đủ sức hấp dẫn nên khó thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước và nước ngoài đầu tư.

Chế biến rau quả xuất khẩu tại DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Chế biến rau quả xuất khẩu tại DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Nói thêm về những khó khăn đang gặp phải của các dự án thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho rằng: Mặc dù ngành chức năng đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn quy định đăng ký, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn nhưng hiệu quả triển khai chưa cao. Để thu hút đầu tư, huyện đã mời các công ty lớn như: Olam, DOVECO… lên khảo sát và làm việc nhưng lại không có quỹ đất để họ triển khai dự án. Vấn đề vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cũng khiến doanh nghiệp không mặn mà.

“Hiện trên địa bàn chưa có nhiều dự án sản xuất công nghiệp, chế biến sâu. Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư sau một thời gian hoạt động đã phải tạm dừng hoặc sang nhượng, mà nguyên nhân là do tình hình kinh tế cũng như hoạt động giao thương giữa huyện Đức Cơ và huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) không phát triển, hàng hóa không đa dạng, dẫn đến sản lượng hàng hóa trao đổi tại đây ngày càng ít lại, hiệu quả hoạt động kém”-ông Phận thông tin.

Có thể bạn quan tâm