Kinh tế

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 6 tháng đầu năm 2012, ngành cao su trên địa bàn Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn bởi hạn hán đầu mùa, lốc xoáy bất thường và giá cao su giảm. Tuy nhiên, sản lượng mủ của các công ty TNHH một thành viên cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) trên địa bàn Tây Nguyên vẫn tăng đều.

Cụ thể: Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông khai thác 2.495 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2011; Công ty Ea H’Leo khai thác được 1.485 tấn, tăng so với năm trước 60 tấn; Công ty Kon Tum là đơn vị khai thác được nhiều nhất với 3.176 tấn; Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê cũng có tốc độ tăng trưởng khá với 2.370 tấn; Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang khai thác được 7.800 tấn... Tuy tỷ lệ % so với bình quân chung của khu vực còn thấp, nhưng lại khá cao so với 2011 bởi năm nay thời tiết thuận lợi nên các đơn vị đã triển khai cạo sớm 1,5-2 tháng.

 

 

Bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng về nông nghiệp thì các chỉ tiêu khác cũng có sự tăng như tiền lương, tiền thưởng, chế độ ăn giữa ca và một số chế độ khác.

Đề cập điều kiện sản xuất kinh doanh hiện nay, hầu hết lãnh đạo các công ty đều “than” chuyện vốn để tái đầu tư và đầu tư sang các dự án Campuchia và Lào, bởi mặc dù lãi suất đã hạ nhiệt nhưng vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn này, kể cả vốn vay bằng ngoại tệ. Một vài đơn vị không thể tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng cổ phần nhà nước như: BIDV, Vietinbank, Agribank; chủ yếu đang tập trung vào SHB, Sacombank hay Vietcombank… Bởi lẽ dù lãi suất cao hơn nhưng bù lại họ sớm có vốn chủ động cho mùa trồng mới trong năm 2013.

Với lĩnh vực này, ông Phạm Văn Hiền-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ đạo: “Trước mắt, các đơn vị dùng nguồn vốn điều lệ và vốn do VRG rót xuống trong khi chờ đợi để đảm bảo công việc đầu tư, nhưng cần tích cực và chủ động tiếp cận với các nguồn vốn vay, bởi nếu không thể tiếp cận nguồn vốn này trong khi lại dùng hết vốn điều lệ thì ngân hàng lại làm khó vì không có nguồn để chi trả lãi suất”.

Trong tình hình giá cả thấp gần bằng giá thành và có nguy cơ sẽ còn xuống thấp, ông Phạm Văn Hiền và lãnh đạo các ban VRG đều có những đề nghị các đơn vị cần có kế hoạch cụ thể để đối phó với tình hình, trước mắt là cắt giảm những chi phí không cần thiết, tập trung vào tiền lương cho người lao động. Đại diện Ban Kế hoạch đầu tư của VRG đề nghị các đơn vị cần tăng năng suất vườn cây, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, có thể chọn thời điểm để tiến hành đấu thầu phân bón cho phù hợp nhằm giảm giá…

Mặc dù giá bán của các đơn vị Tây Nguyên dao động ở mức 67-69 triệu đồng/tấn, tuy có thấp hơn mặt bằng chung nhưng có thể chấp nhận được. Hiện lượng hàng tồn kho còn khá lớn, đây chính là hệ quả của việc các đơn vị này chưa có nhiều hợp đồng dài hạn.

Ông Hiền cho rằng: “Hiện nay, tỷ lệ hợp đồng dài hạn của các công ty miền Đông Nam bộ chiếm 50-60%, cho nên giá bán của họ luôn ở mức cao. Đối với các đơn vị Tây Nguyên tỷ lệ này còn thấp, chủ yếu là hợp đồng bán chuyến và tập trung ở một số sản phẩm mủ cốm đơn thuần, do vậy khi có biến động trên thị trường thì các đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiền lương và đời sống người lao động, các đơn vị cần chủ động điều tiết nguồn vốn, giá thành để đảm bảo tiền lương cho công nhân, tránh tình trạng công nhân có thể bỏ cạo và bỏ việc”.

Về kế hoạch 2013, Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Hiền cho biết thêm: “Hiện nay, giá thành VRG xây dựng là 43 triệu đồng/tấn, giá bán bình quân trên 71 triệu đồng, giá bán hiện nay khoảng 58 triệu đồng/tấn, với điều kiện này còn có thể giúp được các đơn vị, nhưng mai này giá xuống thấp hơn thì rất khó. Vì thế các đơn vị cần có kế hoạch cụ thể để huy động các nguồn vốn lo cho kế hoạch trong năm tiếp theo được hoàn thành như dự kiến”.

Văn Vĩnh-Nguyễn Dung
 

Có thể bạn quan tâm