(GLO)- Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng hồ tiêu, vừa qua, UBND huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách tín dụng cũng như giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc gia hạn nợ, giảm lãi suất với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Hồ tiêu là cây trồng chủ lực giúp người dân huyện Chư Pưh phát triển kinh tế. (Ảnh: internet) |
Nếu như trước kia, khi ngân hàng thẩm định hồ sơ cho người trồng hồ tiêu vay, giá trị tài sản trên đất của người dân còn rất lớn nên mức giải ngân cũng cao. Nhưng hiện nay, hồ tiêu chết, già cỗi, giá trị tài sản thấp nên ngân hàng áp mức cho vay thấp hơn. Không những thế, nhiều hộ nông dân còn nợ những khoản vay nóng bên ngoài. Điều này đã kéo theo nhiều hệ lụy, tác động rất lớn đến tâm lý hộ vay nên đã có một số trường hợp người trồng hồ tiêu bỏ nhà, bỏ đất đi nơi khác làm ăn hoặc không hợp tác với ngân hàng để giải quyết các khoản nợ. Ông Nguyễn Tấn Thành-Trưởng thôn Phú Quang (xã Ia Hrú) cho biết: “Nợ ngân hàng là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Người dân rất khó khăn chứ không phải cố tình không hợp tác với ngân hàng”. Cũng trong câu chuyện nợ vay, hiện nay, một số ngân hàng chỉ áp dụng chính sách gia hạn nợ, giãn nợ trong thời gian dưới 1 năm. Do đó, ông Đỗ Tiến Cường-Trưởng thôn Cây Xoài (xã Ia Hla) đề xuất: “Ngành Ngân hàng cần nghiên cứu có cơ chế giảm lãi suất, giãn nợ từ 3 đến 5 năm để bà con có nguồn thu trả nợ hoặc cho vay thêm để có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương”.
Trong thực tế, người dân mới bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của huyện, phải 3-5 năm mới có nguồn thu để khôi phục kinh tế cũng như đảm bảo điều kiện thanh toán nợ. Mặt khác, nhiều hộ dân muốn tiếp cận nguồn vốn mới để tái sản xuất thì gặp trở ngại bởi toàn bộ tài sản đã được thế chấp cho khoản vay trước đó. Vì vậy, các hộ này càng thêm khó khăn.
“Chúng tôi cũng không vui khi khách hàng gặp khó khăn, ảnh hưởng khả năng trả nợ. Bởi bản thân các tổ chức tín dụng cũng đang bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát về tỷ lệ nợ quá hạn”-ông Hoàng Anh Quân-Phó Giám đốc Vietinbank Gia Lai-khẳng định. Cũng theo ông Quân, để được ngân hàng hỗ trợ cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất thì khách hàng phải có đề nghị, có sự hợp tác với ngân hàng, cộng đồng trách nhiệm giải quyết vấn đề. Tương tự, bà Lê Thị Hồng-Phó Giám đốc BIDV Phố Núi-cho biết, Chi nhánh đã đồng hành, rà soát tình hình thực tế từng khách hàng, đánh giá thiệt hại, khả năng thu nhập cũng như khả năng tái sản xuất. Từ đó, Chi nhánh đã có các biện pháp hỗ trợ như cho vay lưu vụ, áp dụng lãi suất ưu đãi đối với khách hàng có phương án khôi phục sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
“Có một thực tế phải khẳng định rằng, vốn cho vay của ngân hàng là từ nguồn huy động và phải trả lãi, ngân hàng có trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn. Về phía chính quyền địa phương, cần nhìn nhận ngân hàng cũng là một doanh nghiệp đặc biệt trong nền kinh tế. Chính quyền cũng cần đồng hành với ngành Ngân hàng tìm ra phương cách để bà con sử dụng vốn hiệu quả, vượt qua giai đoạn khó khăn này”-ông Nguyễn Hải Sơn-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-nhìn nhận.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Pưh có 11 chi nhánh ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu với tổng dư nợ tính đến cuối tháng 7-2018 là 1.437 tỷ đồng/6.248 khách hàng, chiếm khoảng 33% tổng dư nợ cho vay hồ tiêu toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tới 74,9%; dư nợ trung-dài hạn chiếm 25,1%; nợ xấu là 151 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng dư nợ. Đáng lưu ý, dư nợ của khách hàng bị thiệt hại do hồ tiêu chết là 874 tỷ đồng/2.371 khách hàng, chiếm 60,8% tổng dư nợ và chiếm 37,9% số khách hàng. Khó khăn của khách hàng cũng là khó khăn của ngành Ngân hàng. Trên tinh thần đó, các chi nhánh ngân hàng đã vào cuộc, tiến hành xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay cũng như tiếp tục cho vay mới. Đến nay đã có 1.426 khách hàng được hỗ trợ, chiếm 60,1% tổng số khách hàng bị thiệt hại. Số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 78 tỷ đồng, doanh số cho vay mới là 333 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 36,4 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay 150 triệu đồng.
Để tiếp tục hỗ trợ người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện vượt qua khó khăn, ông Huỳnh Minh Thuận-Bí thư Huyện ủy Chư Pưh-đề nghị các ngân hàng cần công khai các điều kiện hỗ trợ, cải cách hồ sơ thủ tục nhằm tạo điều kiện tối đa cho bà con. Đối với UBND huyện, chính quyền cấp xã, thôn cần có trách nhiệm hỗ trợ bà con, phương châm là hợp tác với ngân hàng để giải quyết khó khăn.
Sơn Ca