Kinh tế

Giá cả thị trường

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn một số khó khăn. Vì vậy, ngành Công thương Gia Lai tiếp tục triển khai những giải pháp cụ thể để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Thương mại tăng trưởng khá

Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt hơn 89.642 tỷ đồng, vượt 5,46% so với kế hoạch, tăng 19,05% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 660 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,2% so với năm 2021. Trong năm 2022, Sở Công thương đã triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ hàng nông sản với nhiều kết quả đáng ghi nhận như: triển khai xây dựng 4 điểm bán hàng tại các huyện nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu các sản phẩm do Việt Nam sản xuất, sản phẩm đặc trưng có chất lượng tốt, tạo cầu nối đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Hàng năm, Sở cũng tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia các hội chợ vùng miền trên khắp cả nước; tổ chức 2-3 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Sở Công thương còn ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng để đẩy mạnh trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý, thông tin thị trường, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng thế mạnh của địa phương, tìm kiếm nguồn hàng ổn định cung cấp cho thị trường các thành phố. Bên cạnh đó, Sở Công thương còn tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại nước ngoài do Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, đẩy mạnh liên kết phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam. Đồng thời, Sở đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử thông qua kết nối cung cầu trực tuyến; xây dựng giải pháp đẩy nhanh quá trình kết hợp giữa kênh phân phối truyền thống và kênh trực tuyến, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối.

Công nhân Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) sơ chế chuối để xuất khẩu. Ảnh: Quốc Nguyễn
Công nhân Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) sơ chế chuối để xuất khẩu. Ảnh: Quốc Nguyễn


Theo đánh giá của ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã gia tăng giá trị qua việc hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tham gia chuỗi cung ứng phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về năng lực tài chính và nghiệp vụ xúc tiến thương mại nên việc mở rộng mạng lưới kinh doanh, quảng bá sản phẩm còn khó khăn; công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp còn hạn chế; nhân sự quản trị bán hàng qua sàn thương mại điện tử chưa chuyên nghiệp…

Ngày 23-12 vừa qua, Sở Công thương tổ chức hội nghị gặp gỡ các đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất về những tồn tại, khó khăn liên quan đến tiếp cận thị trường, các cơ chế chính sách của thị trường nước ngoài cho từng mặt hàng xuất khẩu, các yêu cầu về chất lượng hàng hóa, các loại giấy phép, chứng nhận chất lượng, các vấn đề liên quan đến chi phí logistics, thủ tục hải quan, nguồn vốn…

Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản

Theo ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku), hiện nay, bà con nông dân chuyển từ sản xuất theo kinh nghiệm sang sản xuất có chất lượng, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế vật tư nông nghiệp đầu vào… So với các tỉnh Tây Nguyên, sản phẩm cà phê của Gia Lai được các nước trên thế giới đánh giá rất cao, từ đó tác động rất lớn lên chuỗi ngành hàng cà phê. Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang mở ra cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp khi càng ngày bị siết chặt về chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao về chất lượng, công tác quản trị, vượt qua các hàng rào kỹ thuật, xây dựng thương hiệu riêng cho mình.

Còn bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) thì cho biết: Đơn vị vừa sản xuất, vừa chế biến, lại phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, điều kiện tài chính của HTX còn hạn chế nên việc đầu tư nâng công suất máy móc, thiết bị gặp khó khăn, trong khi nhu cầu của đối tác trong và ngoài nước về các mặt hàng chế biến rất lớn. Sản lượng hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường đã làm lỡ đi nhiều cơ hội phát triển. “Thời gian qua, HTX đã liên kết để mở rộng vùng nguyên liệu chanh dây khoảng 100 ha theo chuẩn nông nghiệp hữu cơ để tạo nguồn hàng ổn định. Bên cạnh đó, việc tích cực tìm kiếm thị trường cũng như sự hỗ trợ của ngành chức năng thông qua kết nối, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các sàn thương mại điện tử giúp HTX có được nhiều khách hàng mới”-bà Thơm thông tin.

Doanh nghiệp Nhật Bản tham quan gian hàng của tỉnh tại Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022. Ảnh: Vũ Thảo
Doanh nghiệp Nhật Bản tham quan gian hàng của tỉnh tại Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022. Ảnh: Vũ Thảo


Ông Trịnh Đình Trường-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Biển Hồ-cho hay: Gia Lai là địa bàn khá xa cảng biển nên chi phí logistics rất cao. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách về công nghệ, chế biến sâu để gia tăng giá trị hàng nông sản, nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu. Một khó khăn nữa là trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản rất khó khăn về nguồn vốn lưu động.

Theo Giám đốc Sở Công thương, hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu các mặt hàng nông sản còn thấp. Vì vậy, khâu đầu tiên là phải đảm bảo vùng nguyên liệu đầu vào cho chế biến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển. Vì vậy, các sở, ngành cần phối hợp xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế số, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nhu cầu thị trường rất lớn, nhưng xác định thị trường nội địa là quan trọng, còn xuất khẩu thì tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị nguồn hàng, năng lực sản xuất. Thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối đưa các sản phẩm của Gia Lai vào một số siêu thị lớn ở một số tỉnh thành trên cả nước; hỗ trợ tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở thêm các điểm bán hàng OCOP, sản phẩm đặc trưng tại các địa phương trong tỉnh. Gia Lai hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn, sản phẩm nổi tiếng nhưng lại chưa có thương hiệu quốc gia. Đây cũng đang là vấn đề rất lớn đặt ra cho các ngành chức năng.

“Đối với xuất khẩu, khi hướng vào thị trường nào thì phải sản xuất theo yêu cầu của thị trường đó. Đặc biệt, để tận dụng những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, ngành Công thương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông tin kịp thời về các chính sách, thị trường nước ngoài, các quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nhà nhập khẩu. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể để tạo ra nguồn hàng có chất lượng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường nước ngoài. Hàng tháng, Sở Công thương đều tham gia hội nghị giao ban với tham tán thương mại các nước do Bộ Công thương tổ chức. Vì vậy, Sở Công thương mong muốn các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu xây dựng video giới thiệu, quảng bá sản phẩm để Sở làm cầu nối gửi cho các tham tán thương mại”-ông Binh cho biết thêm.

 

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm