Kinh tế

Doanh nghiệp

Tháo gỡ vướng mắc cho Khu Công nghiệp Nam Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 4 năm trôi qua nhưng Khu Công nghiệp (KCN) Nam Pleiku do Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê làm chủ đầu tư vẫn chưa thể đón doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Hiện chủ đầu tư cùng các sở, ngành của tỉnh đang tập trung tháo gỡ vướng mắc để hoàn thiện hạ tầng, sớm đưa KCN này đi vào hoạt động.

Khu Công nghiệp Nam Pleiku nằm sát tuyến quốc lộ 14, cách trung tâm TP. Pleiku 17 km về phía Nam, cách Sân bay Pleiku 22 km và Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khoảng 182 km. Dự án có tổng diện tích hơn 191 ha, nằm trên địa bàn xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) và xã Ia Băng (huyện Chư Prông) với tổng mức đầu tư hơn 517 tỷ đồng.

Tháng 9-2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku. Mục tiêu ban đầu của dự án là đầu tư xây dựng hạ tầng trong năm đầu tiên và tiến hành cho thuê hạ tầng ở năm kế tiếp. Thời gian bắt đầu cho thuê từ năm 2022 và lấp đầy KCN trong vòng 5 năm. Đầu tháng 12-2019, chủ đầu tư khởi công xây dựng hạ tầng với các hạng mục cơ bản như: đường giao thông nội bộ, hệ thống điện. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ đầu tư cũng kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký dự án tại KCN. Tuy nhiên, hơn 4 năm trôi qua, KCN vẫn trong tình trạng vắng bóng doanh nghiệp.

Chủ đầu tư và các doanh nghiệp đến tham quan tìm hiểu về mặt bằng, tiến độ thi công hoàn thiện hạ tầng tại Dự án Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Ảnh: Minh Nguyễn

Chủ đầu tư và các doanh nghiệp đến tham quan tìm hiểu về mặt bằng, tiến độ thi công hoàn thiện hạ tầng tại Dự án Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Trần Ngọc Lộc-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, Giám đốc KCN Nam Pleiku-thông tin: Khi quy hoạch thì tỉnh làm, nhưng sau khi hoàn thành quy hoạch thì lại vướng Luật Đầu tư công nên bàn giao lại cho Công ty. Tuy nhiên, khi Công ty chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xin tỉnh cho thuê hạ tầng và tiến hành thủ tục xin miễn giảm tiền thuê đất thì lại gặp khó. “Do không được miễn giảm nên dù KCN Nam Pleiku chưa đi vào hoạt động nhưng mỗi năm phải đóng 4,8 tỷ đồng tiền thuê đất khiến nhà đầu tư bị thiệt thòi, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư”-ông Lộc cho biết.

Ngoài ra, Giám đốc KCN Nam Pleiku cho biết: Hiện hệ thống đấu nối giao thông giữa KCN với quốc lộ 14 vẫn còn vướng mắc. Quy hoạch ban đầu chưa đảm bảo quy định 2 điểm đấu nối cách nhau 1,5 km. Vì vậy, Công ty phải xin đấu nối tạm thời. Đáng mừng là mới đây, Chính phủ có quy định giao việc đầu nối giao thông về cho tỉnh nhưng khi điều chỉnh thì điểm đấu nối mới nằm trong khu dân cư buộc phải giải tỏa đền bù, dự kiến kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Ngoài ra, một số bất cập trong việc đấu nối hệ thống nước thải của KCN khiến việc thi công đã chậm càng thêm chậm. Công ty phải nghiên cứu làm hệ thống cống ngầm dẫn nước dài hơn 3 km với kinh phí trên 35 tỷ đồng để giải quyết vấn đề xả thải.

Tổng quan mặt bằng Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Ảnh: M.N

Tổng quan mặt bằng Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Ảnh: M.N

“Vướng mắc lớn nhất hiện nay là phần đấu nối đường ra KCN và cống xả thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải KCN phải chờ thực hiện thủ tục để cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của tỉnh và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 của huyện Chư Sê và huyện Chư Prông theo đúng quy định của pháp luật thì mới tiến hành giải tỏa, đền bù và triển khai thực hiện”-ông Lộc thông tin thêm.

Tuy vậy, nói về triển vọng trong thời gian tới, Giám đốc KCN Nam Pleiku khẳng định: Khu Công nghiệp Nam Pleiku có vị trí thuận lợi là nằm sát trục quốc lộ 14 dễ dàng di chuyển đi các tỉnh: Đak Lak, Phú Yên, Kon Tum theo các tuyến quốc lộ 25, 19, 14. Vì thế, hiện đã có 10 nhà đầu tư đăng ký thuê hơn 60 ha đất, chiếm gần 50% diện tích cho thuê đất của KCN, trong đó, một số nhà đầu tư lớn đã đặt cọc giữ chỗ hơn 30 ha. “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ đấu thầu đối với tất cả các hạng mục còn lại để hoàn thiện hạ tầng tiến tới việc cho thuê vào đầu năm 2024 và dự kiến lấp đầy KCN này trong khoảng 2-3 năm tới”-ông Lộc cho hay.

Bản đồ quy hoạch dự án và các hạng mục đã đầu tư tại Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Ảnh: M.N

Bản đồ quy hoạch dự án và các hạng mục đã đầu tư tại Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Ảnh: M.N

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: Các sở, ngành của tỉnh cũng đang tập trung phối hợp tháo gỡ các vướng mắc của Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku. Đối với vướng mắc đường ra KCN đấu nối với quốc lộ 14, đây là phần phát sinh sau và nằm ngoài KCN nên Ban Quản lý không có thẩm quyền giải quyết. Riêng vướng mắc về điểm đấu nối đầu ra xả thải của hệ thống xử lý nước thải thì đã điều chỉnh quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã điều chỉnh lại một số vướng mắc liên quan đến dự án này. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với chủ đầu tư, các ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ các vướng mắc nhằm sớm đưa KCN Nam Pleiku đi vào hoạt động”-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm