(GLO)- Nhằm lan tỏa tình yêu văn học-nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca, sau một thời gian chuẩn bị, Câu lạc bộ thơ Đất Hồng (thị trấn Chư Sê) vừa ra mắt công chúng. Đây là diễn đàn để những người yêu văn chương được gặp gỡ, giao lưu, làm phong phú thêm đời sống tinh thần ở địa phương.
Theo lý giải của ông Lê Văn An-Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB), cái tên “Đất Hồng” lấy cảm hứng từ màu đất bazan đặc trưng của vùng đất Chư Sê nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Khi mới thành lập, CLB chỉ có vỏn vẹn 5 thành viên và đều là hội viên Hội Người cao tuổi thị trấn Chư Sê. “Khi ấy, cứ thấy ai biết làm thơ, yêu thơ là tôi lại tìm đến mời tham gia CLB để cùng nhau đàm đạo, sáng tác. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn hẹp, số thành viên tăng rồi lại giảm do không nhiều người “bám trụ” lâu dài với CLB. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì sinh hoạt mỗi tháng 1 lần cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động hữu ích, khơi dậy tiềm năng sáng tác trong mỗi người nên đến giờ đã “giữ chân” được 19 thành viên”-ông An chia sẻ.
Không chỉ tìm kiếm, tập hợp những người yêu thích thơ ca, “bí quyết” để ông An cùng Ban chủ nhiệm thu hút các thành viên gắn bó với CLB chính là “tôn trọng chữ nghĩa của mọi người”. Ông An bày tỏ: “Chúng tôi không vội đánh giá, bình luận, chê bai chữ nghĩa trong các sáng tác mới của thành viên. Câu lạc bộ được thành lập với mục đích tạo nơi sinh hoạt lành mạnh, vui tươi, phát động phong trào sáng tác thơ văn. Vì thế, nếu không tuyển chọn các tác phẩm cho đêm thơ hay in ấn, chúng tôi luôn giữ tinh thần chia sẻ, động viên là chính”. Nhờ vậy mà sau hơn 1 năm hoạt động, CLB thơ Đất Hồng đều đặn tổ chức thành công 2 đêm thơ Nguyên tiêu, ra 1 tờ báo tường đăng tải 22 tác phẩm thơ của các thành viên trong CLB.
Ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính tặng quà cho học sinh đạt giải trong phong trào sáng tác thơ năm 2019 do CLB thơ Đất Hồng phát động. Ảnh: P.V |
Đặc biệt, năm 2019, CLB thơ Đất Hồng còn phối hợp cùng Hội Khuyến học huyện tổ chức thành công cuộc thi sáng tác thơ dành cho người cao tuổi và giáo viên, học sinh. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 120 tác phẩm dự thi của khối trường học và 42 tác phẩm của người cao tuổi; từ đó chọn ra 18 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Đạt giải nhất của cuộc thi với tác phẩm “Ngắm mưa”, em Cao Thị Mỹ Linh (lớp 11A1, Trường THPT Trường Chinh) gây ấn tượng với từng dòng thơ sâu lắng: “Đêm thanh vắng/Mưa. Lạnh lùng. Rơi/Từng sợi nối dài mãi/Tôi. Mơ hồ. Thức/Miên man trong lòng giăng giăng/Chợt nhận ra/Mình mười bảy”. Mỹ Linh bày tỏ: “Em rất thích môn Ngữ văn và tập tành làm thơ nhưng ít khi đưa cho ai đọc vì sợ bị chê… dở. Được các thầy cô động viên nên lần này em gửi dự thi, nào ngờ đạt giải nhất. Dù đây chỉ là cuộc thi nhỏ nhưng đã tiếp thêm động lực để em sáng tác nhiều hơn nữa”.
Năm nay đã 73 tuổi, ông Phan Viết Tại (tổ 3, thị trấn Chư Sê) là thành viên lớn tuổi nhất của CLB. Dù vậy, ông vẫn “dồi dào” sức viết với hơn 30 tác phẩm, đề tài về quê hương Thừa Thiên-Huế và vùng đất nơi mình đang sinh sống. Ông tâm sự: “Tuổi cao sức yếu nhưng khi tham gia vào CLB, gắn bó với chữ nghĩa, văn chương, tôi thấy tâm hồn mình như trẻ lại, yêu đời và sống vui, sống khỏe hơn”.
Đánh giá cao nỗ lực của Ban chủ nhiệm CLB thơ Đất Hồng, ông Trương Công Hoài-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-cho rằng: “Bằng các hoạt động thiết thực, CLB thơ Đất Hồng đã thu hút đông đảo người yêu thơ trên địa bàn, qua đó bồi đắp và nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, tình yêu cuộc sống, cổ vũ và động viên các tầng lớp nhân dân hăng say lao động sản xuất, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa… Hy vọng rằng trong thời gian tới, CLB sẽ đổi mới hơn nữa phương thức hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng sáng tác”.
Theo Chủ nhiệm CLB Lê Văn An, thời gian tới, CLB sẽ tập hợp, tuyển chọn sáng tác của các thành viên để in 1 tuyển tập. Câu lạc bộ cũng nuôi tham vọng thành lập chi hội văn học-nghệ thuật tại Chư Sê (trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) để phát triển hơn nữa hoạt động sáng tác của những người yêu văn chương trên địa bàn.
PHƯƠNG VI