Phóng sự - Ký sự

Thắp sáng ngọn lửa yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong những ngày căng thẳng do ảnh hưởng dịch bệnh, bão lũ miền Trung, trang cá nhân của thầy Trương Vĩnh Đặng trở thành một kênh thông tin lan tỏa những hành động đẹp, xuất phát từ việc thầy đấu giá những chậu cây trong vườn để lấy kinh phí giúp đỡ bệnh nhân nghèo và thực hiện các chương trình thiện nguyện. 
 
Anh Trương Vĩnh Đặng (35 tuổi, giáo viên dạy mỹ thuật Trường Tiểu học Tây Hồ) tặng bữa ăn cho người khuyết tật nghèo
Anh Trương Vĩnh Đặng (35 tuổi, giáo viên dạy mỹ thuật Trường Tiểu học Tây Hồ) tặng bữa ăn cho người khuyết tật nghèo
1. Bước vào khu vườn nhỏ của thầy Trương Vĩnh Đặng (35 tuổi, giáo viên dạy mỹ thuật của Trường Tiểu học Tây Hồ, quận Hải Châu, Đà Nẵng), ấn tượng đầu tiên là hàng trăm giỏ phong lan treo trên giàn thép, lá xanh mơn mởn. Bên dưới, những chậu bonsai xếp hàng thẳng tắp xung quanh hồ cá, mỗi chậu một kiểu dáng. Công trình đẹp đẽ đó là kết quả của thầy Trương Vĩnh Đặng trong suốt 10 năm  qua. 
Một lần gặp một bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở Bệnh viện Đà Nẵng đang nguy kịch nhưng không có kinh phí điều trị, thầy Đặng nảy ra ý tưởng mang cây bonsai của mình ra bán đấu giá để giúp đỡ. Nghĩ là làm, thầy chọn một chậu bonsai đẹp, chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội với nội dung bán đấu giá gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân. Chậu bonsai được trả giá khá cao, cùng với kinh phí vận động được từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, tổng cộng khoảng 20 triệu đồng, thầy Đặng đã hỗ trợ cho người nhà bệnh nhân chi trả các khoản điều trị. 
Những ngày rảnh rỗi, chăm sóc cây cảnh trở thành thú vui duy nhất của thầy Đặng. Cùng những mối quan hệ của mình, thầy tiếp tục kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ người nghèo khó trong cộng đồng. Trung bình trồng và tạo một cây bonsai mini hoàn thiện mất từ 3-5 năm, nhưng cũng có những cây mua về, chăm một thời gian gặp trường hợp cần hỗ trợ, thầy sẽ đem ra bán đấu giá. Cứ như vậy, hơn 10 năm nay, nhiều bệnh nhân khó khăn nhờ thầy mà có kinh phí chữa trị kịp thời, vượt qua bạo bệnh. 
Cũng có một số trường hợp khiến thầy Đặng cảm thấy đồng cảm ngay cả khi chưa hề chạm mặt. Đó là trường hợp anh L.H.V. (40 tuổi) bị chẩn đoán nhiễm trùng huyết và viêm tuyến tụy. Vợ anh V. vừa nuôi con đang tuổi ăn học vừa chăm chồng, nhưng dịch bệnh đã khiến chi phí sinh hoạt của gia đình dần teo tóp. Mệt mỏi vì dịch bệnh và tình trạng bệnh tật ngày càng xấu của chồng, tinh thần người vợ trở nên suy kiệt. Chị đành phó mặc cho số phận vì không đủ tiền chi trả cho một ca phẫu thuật lọc máu. Thế rồi chị đã òa khóc khi nhận được 15 triệu đồng từ sự vận động của thầy Đặng. Sự giúp đỡ đúng lúc ấy trở thành tia hy vọng cứu rỗi tương lai của một gia đình. 
Một lần khác, khi gấp rút vận động kinh phí và tức tốc chạy đến Bệnh viện Đà Nẵng để giúp bệnh nhân, thầy Đặng gặp 2 nhóm thiện nguyện. Người nhà bệnh nhân đã từ chối nhận sự giúp đỡ của thầy Đặng với lý do đã nhận đủ số tiền phẫu thuật cho con từ 2 nhóm thiện nguyện. “Đâu đó sẽ còn nhiều gia đình kém may mắn hơn, số tiền này có thể “đùm bọc” cho cả một gia đình, tương lai của một đứa trẻ”, thân nhân người bệnh nói. Sự từ chối này khiến thầy Đặng cảm động và là động lực để thầy tiếp tục hành trình san sẻ yêu thương. 
2. Cái duyên mà thầy Đặng nhắc đến, đó là những chuyến đi thiện nguyện về vùng cao tỉnh Quảng Nam, giúp sức cho các em dân tộc thiểu số được đến trường; những chuyến băng lũ về với bà con vùng thiên tai; hay một phiên chợ “0 đồng”, một địa chỉ cần được giúp đỡ. 
Nhớ nhất một lần tập kết hàng cứu trợ lũ lụt cho người dân tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị…, mưa lớn nhiều ngày khiến tất cả thùng các tông đựng mì gói ẩm ướt. Cả nhà thầy Đặng đã cùng nhau thay những thùng các tông bằng bao ni lông. Gần 6 tiếng  vừa làm vừa trò chuyện đã khiến thầy Đặng không bao giờ quên được những nụ cười trên khuôn mặt mỗi thành viên. 
Rồi một lần hàng tấn su hào được chuyển về nhà thầy không may bị dập bên ngoài. Vì sáng hôm sau sẽ xuất phát theo kế hoạch, cả nhà bàn bạc, gấp rút tách từng lớp su hào hỏng. Số lượng khá nhiều nên nhà thầy Đặng ngập trong su hào, cả nhà đinh ninh suốt đêm sẽ không ngủ  để hoàn thành công việc. Một vài hàng xóm tạt ngang chứng kiến, vội về nhà lấy thêm dụng cụ để nhập hội. Bên ngoài mưa to tầm tã, trong hiên nhà thật ấm áp bởi những tấm lòng hướng về khúc ruột miền Trung.
Trong những ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, cứ 11 giờ trưa, trong cái nắng đỏ lửa của miền Trung, trước cổng nhà 57 Yên Thế (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), thầy Đặng cùng những người bạn đem những suất cơm nóng hổi, cùng với những chai nước chanh mát lạnh, xếp lên bàn, lần lượt phát cho những người bán vé số dạo, xe ôm, người lao động đứng đợi sẵn với lời nhắn: “Ai cần thì nhận một phần. Ai thấy ổn xin nhường người khác”.
Không biết từ khi nào, thầy Đặng trở thành gương mặt quen thuộc trong các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là các chiến dịch quyên góp, hỗ trợ y bác sĩ và người lao động khó khăn trong thời điểm TP Đà Nẵng ứng phó với đại dịch. Với thầy, thiện nguyện là thói quen và được trả công bằng niềm vui và hạnh phúc của cả người cho lẫn người nhận. 
Ông Trương Văn Luân (cha của thầy Đặng) tâm sự, từ nhỏ thầy Đặng đã theo ông đi giúp đỡ người lao động nghèo. Cứ thế, giúp đỡ người khác trở thành một một thói quen của thầy. Rồi bây giờ, tối thứ sáu mỗi tuần, khi đi phát quà cho những đứa trẻ, thầy Đặng lại chở con gái theo, giống như ngày xưa cha thầy đã từng làm vậy. Giúp đỡ người khác trở thành nếp nhà mà cha thầy và thầy cố gắng vun đắp từng ngày.
3. Cảm động trước tấm lòng của thầy Đặng, hàng xóm gần nhà thầy là em Trần Thị Hồng Hạnh, học sinh Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng đã tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Ban đầu nhóm của thầy Đặng thiếu tình nguyện viên, em Hạnh đã góp một tay rửa rau, nấu nướng những bữa cơm trưa hàng ngày cho người lao động nghèo khó. Những ngày sau đó, em kết nối bạn bè đến đây cùng giúp đỡ.
Rất nhiều nơi, nhiều địa điểm thầy Đặng đã đặt chân đến, lan tỏa yêu thương, trong đó có Trường Tiểu học Tây Hồ - nơi làm việc của thầy. Cô Thanh Bình,  giáo viên dạy môn mỹ thuật của Trường Tiểu học Tây Hồ, cho biết, từ hơn một năm nay, đều đặn mỗi tháng một lần, giáo viên nhà trường lại cùng nhau góp tiền rồi bỏ công sức nấu khoảng 200 suất ăn miễn phí cho người lao động nghèo, bất kể nắng hay mưa. Các thầy cô cũng thường cho học sinh cùng tham gia để các em học bài học về sự cho đi trong cuộc sống.
“Tụi mình có mệt hơn cũng không sao, miễn là có thêm nhiều suất ăn hơn nữa để hỗ trợ bà con lao động nghèo. Thầy cô thì tiền cũng không có nhiều, mỗi người góp một chút thôi, chủ yếu là tấm lòng”, cô Bình nói.
10 năm rong ruổi, thầy Đặng luôn tâm niệm “những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”. Niềm vui, niềm hạnh phúc luôn đến từ những hành động nhỏ nhưng đầy năng lượng tích cực như vậy.
XUÂN QUỲNH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm