Kinh tế

Thấp thỏm nỗi lo… điện tăng giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông thường vào dịp đầu tháng 3 hàng năm, giá điện lại được điều chỉnh tăng. Cụ thể ngày 1-3-2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng giá điện lên 6,8%. Tiếp đến 1-3-2011, Tập đoàn này lại tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán điện tới hơn 15,28% (lên 1.240 đồng/kwh).

Những tưởng với mức tăng kỷ lục như vậy (cao nhất trong những năm gần đây) thì EVN sẽ tạm ngừng một thời gian, tuy nhiên, trái với quy luật trên, tháng 12-2011, EVN lại tiếp tục tăng giá điện thêm 5% “dội” thêm gánh nặng tăng giá khiến người dân cảm thấy “nghẹt thở”.

 

Ảnh: Lê Lan
Ảnh: Lê Lan

Đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng lượng điện lớn, giá điện tăng tức là lợi nhuận đang “co” lại. Ông Phạm Cường-Phó Giám đốc Siêu thị Vinatex Pleiku cho biết: “Nếu điện tăng giá thì siêu thị vẫn phải bán hàng với giá cũ mà không được tự động tăng giá (bởi giá cả hàng hóa đều do Tập đoàn quy định chung cho cả hệ thống). Siêu thị thực hiện theo cơ chế khoán, tự cân đối thu-chi. Chi phí điện tăng tức là lợi nhuận của đơn vị giảm, dù đã cố gắng tiết kiệm điện tối đa như Tắt bớt bóng chiếu sáng không cần thiết, điều chỉnh thang máy chạy vào những thời điểm phù hợp, thường xuyên bảo dưỡng thiết bị điện…

Nhưng mỗi tháng, siêu thị vẫn tiêu hao trên dưới 20 ngàn số điện. Đây là một khoản chi phí không nhỏ đối với đơn vị”.

Nếu như những đơn vị kinh doanh còn đủ sức “gắng gượng” thì những doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng lại chịu một sức ép rất lớn, ảnh hưởng đến sự “sống còn” của doanh nghiệp và người lao động là nguy cơ mất việc làm. Ông Trương Quốc Cường-Giám đốc Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai phân tích: “Điện tăng giá tức là chi phí đầu vào tăng thêm. Về lý, hàng bán ra phải tăng thêm nhưng một thực tế hiện nay là tình hình xây dựng đang chững lại, mọi công trình đều ngưng trệ, hàng bán rất chậm. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã phải hạ giá bán 2-3 lần (hiện 1 m2 đá chỉ còn 180.000 đồng) để giãn lượng hàng. Trong khi đó lãi suất ngân hàng vẫn khá cao, có giảm 1% cũng chẳng thấm tháp vào đâu”.

Nhà máy sản xuất đá Granít của Công ty Quốc Duy hiện có khoảng 500-600 công nhân. Với mức tăng cao của giá điện năm 2011, Công ty đã phải tiết kiệm điện hết cỡ, không hoạt động những giờ cao điểm, thời gian làm việc không đủ 8 tiếng nên thu nhập của công nhân bị giảm. “Nếu giá điện cứ tăng nữa thì nhà máy buộc phải giảm công suất, đồng nghĩa với thu nhập của người lao động lại tiếp tục bị giảm, và khả năng nghỉ việc là rất lớn”-ông Cường cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề tăng giá điện với ông Thái Dương Tuấn-Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Gia Lai, ông cho biết: “Tăng giá điện như thế nào, khi nào tăng và mức tăng là bao nhiêu thì hiện nay Công ty Điện lực Gia Lai chưa được thông báo”.

Thời gian và mức tăng giá điện vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên trước thông tin có khả năng trở thành hiện thực thì người dân và doanh nghiệp lại thấp thỏm lo lắng. Một chủ doanh nghiệp bày tỏ, tăng giá điện “nhùng nhằng” kiểu này khiến doanh nghiệp bị động, rất khó để thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh hoặc nếu lỡ nhận đơn hàng của khách hàng rồi thì kiểu gì cũng bị lỗ…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm