Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thấp thỏm nỗi lo sạt lở bờ sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ba-đoạn qua địa bàn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân. Trước tình hình đó, các cấp, ngành cần sớm có giải pháp cấp bách giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống.

Bất lực nhìn sông Ba “nuốt” đất

Bị dòng sông Ba “đuổi” đến tận mép nhà, gần 4 năm nay, gia đình ông Phạm Công Thanh (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) buộc phải rời bỏ nhà cũ, mua đất xây nhà ở mới để ổn định cuộc sống. Nơi ở mới của ông Thanh nằm trên khu đất cao gần đó nhưng được dời sang phía bên kia quốc lộ 25 bây giờ, đối diện với nơi ở cũ.

Ông Thanh cho biết: Hàng ngày, ông chứng kiến dòng sông Ba “nuốt” dần phần đất còn lại của gia đình. Trước đây, nhà ông nằm gần quốc lộ cũ cách bờ sông đến hơn 100 m nhưng hiện gần 2 sào đất của gia đình đã nằm dưới dòng sông.

thap-thom-noi-lo-sat-lo-bo-song-ba-chot-4497.jpg
Khu vực gần cầu Hjú (nối xã Chư Rcăm và xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) ngày càng sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị xâm lấn. Ảnh: Minh Nguyễn

Chỉ tay về phía căn nhà bỏ hoang nằm sát bờ sông giữa đám cây dại mọc um tùm, ông Thanh cho hay đó là nơi gia đình từng sinh sống từ năm 1985 khi từ quê Thái Bình chuyển vào đây lập nghiệp.

“Mỗi sáng, chỉ cần mở mắt ra là đã thấy đất mất đi một phần. Có năm, phần đất của gia đình bị dòng chảy xâm lấn từ 30 đến 40 m. Mảnh đất hơn 2 sào nằm cạnh quốc lộ giờ chỉ còn một khoảnh bé tẹo. Chưa hết, dòng sông vẫn chưa chịu buông khi hàng ngày đang lấn dần đến gần sát quốc lộ chưa đầy 10 m.

Nếu chính quyền địa phương không sớm có phương án xây kè bảo vệ thì tình trạng sạt lở sẽ ảnh hưởng đến công trình dân sinh này. Do khu vực này là đoạn cua của dòng chảy xoáy sâu vào bờ nên tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn. Mỗi khi mùa mưa lũ đến, người dân ở đây luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo âu, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng”-ông Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đĩnh (cùng thôn Sông Ba) khẳng định: Mặc dù chính quyền địa phương đã vận động di dời đến nơi ở mới nhưng ngôi nhà ở hiện nay còn cách bờ sông đến hơn 30 m nên gia đình ông vẫn còn lưu luyến vì đã gắn bó gần 40 năm qua.

Theo bà Nguyễn Thị Đồng Khánh-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm: Trước đó, huyện đã có dự án di dời hơn 100 hộ dân buôn H’Lang về nơi ở mới nhằm tránh nguy cơ thiệt hại về người, tài sản. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hộ dân khác nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Khi mưa lớn kéo dài, chính quyền lẫn người dân đều lo lắng.

“Ban Phòng-chống thiên tai xã thường xuyên phối hợp với các thôn, buôn theo dõi nắm bắt tình hình sạt lở để kịp thời có phương án di dời để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi có sự cố bất ngờ xảy ra.

Từ năm 2009 đến nay, có khoảng 100 ha đất trồng mì và thuốc lá của người dân ở dọc bờ sông Ba bị sạt lở, mất trắng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân trên địa bàn”-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm thông tin.

2bg-2527.jpg
Huyện Krông Pa có 13 điểm sạt lở bờ sông, suối với tổng chiều dài hơn 22,7 km, chủ yếu ở dọc sông Ba và các suối thuộc lưu vực của hệ thống sông này. Ảnh: M.N

Còn tại xã Ia Rsai, khu vực từ buôn Pan đến buôn Puk có chiều dài hơn 1,8 km thuộc hữu ngạn sông Ba cũng được huyện đưa vào danh sách vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Cụ thể là ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và dân sinh các buôn: Puk, Chik, Pan, Kting (cũ).

Cách cầu Hjú nối địa bàn xã Chư Rcăm và Ia Rsai không xa là 1,6 ha đất sản xuất của anh Ksor Tuôt (buôn Puk). Đưa mắt nhìn về phía dòng chảy, anh Tuôt chưa từng nghĩ có ngày dòng suối lại lấn sát đến phần đất của gia đình mình đến vậy.

Theo anh Tuôt, trước đây, lòng suối nhỏ hẹp, rộng khoảng vài ba mét thì đến nay đã mở rộng lên gần 30 m. Hơn nữa, cách rẫy của gia đình anh là phần đất trồng mì của một hộ dân khác. Hiện nay, phần đất này đang dần bị xóa sổ khi dòng chảy hiện chỉ còn cách rẫy của anh chỉ chưa đầy 5 m. Gia đình anh mong chính quyền địa phương có phương án bảo vệ đất sản xuất cho người dân.

Xây kè chống sạt lở bờ sông

Có mặt tại đoạn sông này, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-khẳng định: Trước đây, con suối này chỉ là dòng chảy nhỏ. Thời gian qua, dòng chảy biến đổi khiến tình trạng sạt lở ở khu vực này càng diễn ra nghiêm trọng.

Đáng chú ý, dòng chảy còn gây ra tình trạng sạt lở mố cầu Hjú thuộc địa phận xã Chư Rcăm. Cuối năm 2023, huyện đã triển khai thi công kè khắc phục sạt lở cầu treo Hjú với kinh phí là 3,9 tỷ đồng.

3themmn-5786.jpg
Phần lớn diện tích đất của ông Phạm Công Thanh (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) dọc bờ sông Ba bị dòng nước xâm lấn, khiến gia đình ông phải dời nhà đến vị trí khác an toàn hơn. Ảnh: M.N

Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông Ba, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: Từ năm 2009 tới nay, do ảnh hưởng của mưa lũ cùng với tình trạng khai thác trái phép rừng đầu nguồn đã làm cho lưu lượng và lưu tốc nước sông Ba tăng rất cao, diễn biến dòng chảy phức tạp, đổi dòng dịch chuyển theo hướng xói sâu gây sạt lở ngày càng phức tạp.

Mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản đất sản xuất của người dân. Hàng năm, tình trạng xói lở đã làm mất hàng chục ha đất ven sông, ven suối. Hiện có 13 điểm sạt lở bờ sông, suối với tổng chiều dài hơn 22,7 km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Ba và các suối thuộc lưu vực của hệ thống sông Ba). Trong đó, 2 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm từ khu vực buôn Pan đến buôn Puk và từ buôn H’Lang đến thôn Sông Ba.

“Tình hình sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng làm thu hẹp đáng kể diện tích đất sản xuất, gây thiệt hại về tài sản, đồng thời đe dọa đến tính mạng con người trong thời gian mưa lũ. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến 3 thôn, buôn dọc bờ sông Ba (buôn H’Lang, thôn Mới, thôn Sông Ba) với tổng số 819 hộ/3.496 khẩu, diện tích đất ở là 16 ha, đất sản xuất nông nghiệp 81 ha và khu vực trung tâm hành chính xã Chư Rcăm, Trường Tiểu học Chư Rcăm, Trường THCS Nguyễn Trãi.

Đặc biệt, mùa lũ năm 2009 đã gây ra ngập lụt trên diện rộng cuốn trôi nhà cửa, hoa màu và đàn gia súc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 80.000 người dân sinh sống và sản xuất dọc bờ sông Ba”-ông Châu nêu thực trạng.

4them-6382.jpg
Khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và dân sinh của các buôn Puk, Chik, Pan, Kting cũ (xã Ia Rsai). Ảnh: M.N

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực xã Chư Rcăm. Chiều dài bờ kè dự kiến khoảng 2 km với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2025. Hiện UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án cấp bách này.

“Dự án khi được triển khai sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người dân trong khu vực ảnh hưởng, đảm bảo tính hài hòa với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, góp phần đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân, cải thiện điều kiện an toàn cho các công trình xây dựng.

Đồng thời, ổn định cuộc sống lâu dài, phát triển sản xuất bền vững cho người dân cũng như đảm bảo các yêu cầu thoát lũ và giao thông đường thủy trong khu vực”-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm