Kinh tế

Nông nghiệp

Thất bát mùa điều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những nông dân trồng điều ở huyện Đức Cơ và Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang phải đối mặt với một mùa thất bát khi năng suất đạt thấp, giá cả lại sụt giảm.

Gia đình ông Lê Xuân Phả (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) có 5 ha điều. Niên vụ 2023-2024, năng suất điều chỉ đạt 1,5 tấn/ha, giảm 40-50% so với vụ trước. Ông Phả cho hay: Chi phí đầu tư chăm sóc 1 ha điều hết khoảng 15-20 triệu đồng. Thời điểm cây điều bắt đầu ra hoa, ông thấy hoa rất đều nên hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu. Nào ngờ, điều đậu quả rất ít. Nguyên nhân là do sương muối, nắng nóng làm cháy hoa. Không chỉ năng suất sụt giảm, giá điều hiện cũng đang giảm. Hồi đầu vụ, hạt điều có giá 27 ngàn đồng/kg nhưng giờ chỉ còn 22-23 ngàn đồng/kg. “Do sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt cùng với việc giá cả sụt giảm khiến lợi nhuận chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/ha”-ông Phả chia sẻ.

Còn ông Đinh Văn Khai (cùng làng) thì cho hay: “Năm nay, nắng nóng hơn mọi năm, buổi sáng lại lạnh và có sương muối khiến năng suất cây điều giảm khoảng 60% so với vụ trước. Mặc dù chủ động phòng trừ sâu bệnh nhưng vườn điều 3 ha của gia đình cũng chỉ đạt năng suất hơn 1 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận còn lại không đáng kể”.

Người dân huyện Đức Cơ phơi điều để đưa vào chế biến. Ảnh: L.N

Người dân huyện Đức Cơ phơi điều để đưa vào chế biến. Ảnh: L.N

Huyện Đức Cơ có diện tích điều lớn nhất tỉnh với hơn 26 ngàn ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Ia Nan, Ia Dom, Ia Pnôn, Ia Lang. Điều từng được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo bởi chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, không cần nhiều nước và phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, vụ điều năm nay, năng suất giảm 20-50%, giá thu mua cũng giảm 8-10 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Năng suất điều các vụ trước bình quân đạt 1,2 tấn/ha. Năm nay, năng suất điều giảm 20-50% tùy khu vực và mức độ chăm sóc của người dân. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng khiến điều ít đậu quả; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ít đầu tư chăm sóc. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích điều trên địa bàn huyện hiện sử dụng giống cũ, vườn cây đã già cỗi cũng khiến năng suất sụt giảm.

Tại huyện Ia Grai, người trồng điều cũng đối mặt với một vụ mùa thất thu. Ông Nguyễn Văn Cương (thôn 2, xã Ia Tô) đầu tư cho gần 2 ha điều hết hơn 20 triệu đồng, chưa kể công lao động. “Năm nay phải gọi là đi mót chứ không phải thu hoạch điều. Bởi vì rảo khắp vườn và nhặt nhạnh từng hạt điều dưới gốc cây mà mới chỉ được hơn 5 tạ. Những năm trước, khi thời tiết thuận lợi, với diện tích này, nhà tôi thu hoạch được hơn 4-5 tấn điều. Với giá điều hơn 20 ngàn đồng/kg như hiện nay thì gia đình chỉ thu được hơn 10 triệu đồng, chưa đủ tiền đầu tư”-ông Cương buồn rầu nói.

Ông Nguyễn Văn Cương (bìa phải, thôn 2, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) phải đi nhặt từng hạt điều dưới gốc cây. Ảnh: L.N

Ông Nguyễn Văn Cương (bìa phải, thôn 2, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) phải đi nhặt từng hạt điều dưới gốc cây. Ảnh: L.N

Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai: Toàn huyện có gần 6.000 ha điều. Đây là một trong những cây trồng chính của người dân ở các xã phía Tây huyện như: Ia Tô, Ia Grăng, Ia Khai, Ia Krái, Ia O, Ia Chía và Ia Pếch. Năm nay, điều mất mùa nặng. Nguyên nhân là dịp giáp Tết Nguyên đán, khi cây đang ra hoa thì trên địa bàn có mưa đã ảnh hưởng phần nào đến việc đậu quả. Sau Tết, nắng nóng kéo dài, có sương muối và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn dẫn đến tỷ lệ đậu quả kém. Ngoài ra, một số hộ dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn ít quan tâm đến việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây điều khiến hoa bị khô rụng, quả bị vàng, rụng quả non. Một số diện tích đã già cỗi, sử dụng giống điều địa phương nên năng suất đạt thấp. Về giải pháp hỗ trợ bà con nông dân trong thời gian đến, ông Thắm thông tin: “Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã tổ chức các lớp tập huấn quy trình canh tác cho bà con nông dân; đồng thời, khuyến cáo người dân nên tái canh, đưa giống điều cao sản vào sản xuất kết hợp chủ động phòng trừ sâu bệnh hại để nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, chúng tôi vận động người dân chủ động liên kết sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu điều để nâng cao giá trị hạt điều trên địa bàn huyện”.

Có thể bạn quan tâm