Bạn đọc

Thất thoát tài sản của Nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo Gia Lai đã có bài phản ánh về những sai phạm trong quản lý việc giao khoán tại Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi phát hiện thêm nhiều sai phạm của Công ty trong công tác quản lý, sử dụng đất và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến những diện tích đất được giao khoán, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước…

Tự ý miễn giảm các nghĩa vụ tài chính

Hiện nay Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ (Công ty) đang ký hợp đồng với 1.887 hộ nhận khoán, bằng nhiều hình thức khoán khác nhau. Trong hợp đồng giao nhận khoán của Công ty với các hộ dân quy định rõ trách nhiệm người nhận khoán có nghĩa vụ nộp cho Công ty tiền thuê đất theo quy định của Nhà nước (do cơ quan thuế xác định). Tuy nhiên, theo tài liệu thu thập được của chúng tôi, trong năm 2011, dù chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép nhưng Công ty đã tự ý ra Quyết định số 273/QĐ-CTC, ngày 17-4-2011, do ông Nguyễn Quốc Huynh (lúc đó làm Giám đốc) ký miễn 100% tiền thuê đất cho tất cả các hộ nhận khoán. Tiếp đó, ngày 1-11-2012, ông Huynh lại ký thêm Quyết định số 200/QĐ-CTC giảm 50% tiền thuê đất cho tất cả đối tượng người lao động có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất theo hợp đồng. Sau đó, qua quá trình kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế của Công ty, Cục Thuế tỉnh đã thông báo Công ty không thuộc đối tượng được miễn giảm thuế theo Quyết định số 2093/QĐ-TTg, ngày 23-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Do đã miễn giảm thuế đất cho các hộ nhận khoán, để “chữa cháy” cho việc này, Công ty đã trích số tiền hơn 800 triệu đồng bù vào khoản thuế và hạch toán vào chi phí sản xuất. Điều này đã làm thiệt hại nguồn vốn của Công ty và gây thất thoát tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước hơn 200 triệu đồng.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Công ty, người nhận khoán phải có nghĩa vụ nộp các khoản chi phí sản xuất, dịch vụ theo hợp đồng giao khoán. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi với các hộ nhận khoán vườn chè (100% vốn của Công ty), được biết, nhiều hộ nhận khoán không phải thực hiện nghĩa vụ nộp các khoản phí. Theo số liệu thu thập được từ Công ty thì có đến hơn 76 ha chè Công ty giao cho người lao động chăm sóc và được hưởng toàn bộ sản phẩm thu hoạch mà không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ tài chính nào. Điều kiện ràng buộc chỉ là khi thu hoạch, người nhận khoán phải bán lại sản phẩm cho Công ty. Trao đổi về những vấn đề trên, bà Lâm Thị Hòa-Phó Giám đốc Công ty thừa nhận: “Quả thật có những vấn đề trên, tuy nhiên việc miễn giảm thuế là do thời điểm đó hạn hán, mất mùa nên người nhận khoán không đảm bảo thu nhập. Để động viên người lao động, Công ty mới có chính sách như vậy. Còn việc các hộ nhận khoán hơn 76 ha chè không phải thực hiện nộp các loại phí là do diện tích đó được trồng ở giai đoạn từ năm 1941 đến 1984, cây đã già cỗi và năng suất thấp, nếu nộp phí thì người lao động sẽ gặp khó. Trong khi đó, để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác thì Công ty không đủ vốn…”. Với những quyết định trái pháp luật như vậy, nhiều năm qua, Công ty không thu phí với hộ nhận khoán, làm thất thoát một số tiền lớn và gây lãng phí diện tích đất được Nhà nước giao quản lý.

Hàng chục ha đất bị “lãng quên”

Trong quá trình thu thập tài liệu, chúng tôi được một số công nhân đã nghỉ hưu phản ánh về việc Công ty còn có diện tích đất gần 20 ha nằm trong diện quản lý ở thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah, nhưng từ lâu đã bị “lãng quên”. Qua tìm hiểu từ hồ sơ giao đất cho Công ty của UBND tỉnh thì thời điểm năm 1986, UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã giao đất cho Nông trường Trà Huỳnh, thuộc Xí nghiệp Công-Nông nghiệp Chè Biển Hồ (nay là Công ty) tại khu vực này và Công ty đã triển khai trồng 17,96 ha chè. Do trồng chè không hiệu quả nên năm 1996, Công ty đã có Tờ trình 22/TT đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cho phép thanh lý thu hồi tài sản vườn chè để chuyển đổi sang cây trồng khác và đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án cho Công ty giao khoán đất theo Nghị định 01/CP của Chính phủ.

Sau khi được phê duyệt, Công ty đã giao khoán cho 4 hộ dân gồm các ông: Lương Hữu Phước, Lê Văn Tho, Nguyễn Văn Mười và Lê Phụng Hoàng với tổng diện tích 17,96 ha. Tuy nhiên, đến năm 2001, khi lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không hiểu vì lý do gì, Công ty không đưa diện tích này vào hồ sơ mà vẫn để cho các hộ dân trên sử dụng. Đến năm 2014, khi lập lại hồ sơ xin thuê đất, Công ty cũng không có báo cáo, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý diện tích đất này nên nó nghiễm nhiên trở thành… vô chủ. Qua tìm hiểu thực tế, hiện nay toàn bộ diện tích này đã bị xé nhỏ sang nhượng lại cho hơn 10 hộ dân khác và những hộ dân này cũng không biết đó là đất của Công ty. Chính sự tắc trách trong công tác quản lý của Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên sớm có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan, đồng thời có hướng giải quyết để giúp người lao động an tâm sản xuất và ổn định hoạt động của Công ty.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm