Phơi nhiễm khói thuốc lá thai kỳ làm tăng một loại protein trong cơ thể trẻ sơ sinh mà hậu quả của nó có thể hàng chục năm sau mới lộ diện.
Các nhà khoa học ở Đại học Kentucky (Mỹ) phát hiện ra các hóa chất trong thuốc lá khi đi qua nhau thai sẽ thúc đẩy các phân tử chemerin trong cơ thể trẻ sơ sinh. Sự gia tăng này song song với sự giảm methyl hóa DNA hay nói cách khác, thuốc lá đã tác động thẳng vào quá trình điều chỉnh DNA, dẫn đến mất cân bằng trong sản xuất chemerin.
Thai phụ phơi nhiễm khói thuốc, thai nhi sẽ phải hứng chịu nhiều bất lợi - ảnh: SHUTTERSTOCK |
Theo tiến sĩ Leryn Reynolds, tác giả chính của nghiên cứu, chemerin là một loại protein "thúc đẩy béo phì" được sản xuất trong các tế bào mỡ và hậu quả của nó có thể hàng chục năm sau mới phát tác: trẻ càng lớn càng dễ bị thừa cân và càng thấy khó giảm cân, so với những người cùng trang lứa, cùng lối sống và chế độ sinh dưỡng.
Đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm bởi khoa học ngày càng chứng minh những hậu quả khó lường của đại dịch béo phì, trong đó gây sốc nhất là một nghiên cứu trước đây của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Anh thấy béo phì đang soán ngôi cả hút thuốc và trở thành tác nhân gây ung thư hàng đầu, liên quan đến 12 loại ung thư chết người.
Các nghiên cứu trước đây cũng chứng minh thai phụ phơi nhiễm khói thuốc tăng nguy cơ sinh non và thai chết lưu. Vì vậy, theo nhóm tác giả, phát hiện mới cung cấp thêm một lý do để thai phụ đừng đụng đến thuốc lá. Các khảo sát tại Mỹ cho thấy dù tỉ lệ phụ nữ hút thuốc đã giảm nhiều nhưng vẫn có người dùng thuốc ngay cả khi đang mang thai.
Nghiên cứu không đề cập đến tình trạng hút thuốc lá thụ động, tuy nhiên nhiều công trình trước đó chứng minh hút thuốc thụ động cũng là một dạng phơi nhiễm khói thuốc, và có khi còn có hại hơn chủ động, nên các nhà khoa học khuyên phụ nữ mang thai tốt nhất hãy tránh xa các môi trường có khói thuốc.
Cũng theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư Anh, khói thuốc "second-hand", tức khói mà người hút thuốc thụ động hít phải, bao gồm khói từ điếu thuốc đang cháy và khói do người hút thuốc nhả ra có hại gấp 4 lần so với khói mà người hút thuốc trực tiếp đưa vào cơ thể. Thống kê cho thấy khói second-hand có nồng độ nhiều chất gây ung thư cao hơn nhiều lần, ví dụ như carbon monoxide gấp 3 lần, nitrosamine gấp 10-30 lần và amoniac gấp 15-300 lần.
Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Kentucky, một yếu tố khác đe dọa phơi nhiễm thuốc lá từ thai phụ chính là thuốc lá điện tử. Nhiều người vẫn nghĩ nó an toàn, bao gồm nhiều phụ nữ trẻ, nhưng các nghiên cứu khoa học đã chứng minh nó cũng độc hại tương đương, thậm chí một số mặt còn hơn cả thuốc lá truyền thống. Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Experimental Physiology.
A. Thư (Theo Daily Mail, nld)