Thời sự - Bình luận

Thay đổi để thích ứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2006, Luật Điện ảnh ra đời, đánh dấu lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đầu tiên có một bộ luật riêng. Nhưng, với sự phát triển như vũ bão của thị trường và mục tiêu hướng tới nền công nghiệp điện ảnh thực thụ, nó đã bộc lộ nhiều bất cập. Không ít ý kiến cho rằng, Luật Điện ảnh hiện hành đang tạo ra nhiều rào cản, trói buộc, kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Trước khi tờ trình về Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng tóm tắt trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng 9 và có các buổi thảo luận sôi nổi tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV những ngày qua, đã có rất nhiều hội thảo được tổ chức ở Hà Nội và TPHCM xung quanh chủ đề này. Thời gian gần đây, các nhà làm phim cũng liên tục tổ chức các sự kiện trực tuyến lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật. Điều này cho thấy không chỉ các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ VH-TT-DL, Cục Điện ảnh mà các nhà làm phim và cả khán giả cũng đều mong muốn khi luật được thông qua vào năm 2022 sẽ tạo tiền đề, hành lang pháp lý quan trọng để điện ảnh Việt phát huy hết vai trò, tiềm năng, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.  
Tín hiệu tích cực nhất từ những phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội trong những ngày qua, đó là các vấn đề nổi cộm của điện ảnh Việt hiện nay được đưa ra bàn thảo một cách trực diện, đa chiều. Con số 240 ý kiến thảo luận tại tổ và 23 ý kiến phát biểu tại Quốc hội minh chứng cho điều đó. Trong đó, có rất nhiều vấn đề “nóng” của điện ảnh Việt thời gian gần đây: câu chuyện tiền kiểm hay hậu kiểm với cả phim điện ảnh và phim phát hành trên không gian mạng, các quy định về điều cấm trong luật, giải pháp thu hút các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam, thêm mức phân loại phim, quỹ điện ảnh… 
Trên thực tế, sở dĩ những tranh luận liên quan đến Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này nóng hơn là bởi thời gian qua, giữa 2 chủ thể: nhà quản lý và nhà làm phim chưa hoàn toàn tìm được tiếng nói chung. Tất nhiên, không phải mọi đề xuất từ phía các nhà làm phim sẽ đều được chấp thuận ngay tức khắc. Để cụ thể hóa trong luật, cần rất nhiều nghiên cứu, đánh giá về tính khả thi và cả mức độ rủi ro của từng điều khoản. Nhưng, nếu không có sự cởi mở, lắng nghe để tiến tới những điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh phát triển hiện tại, luật mới ra đời sẽ tiếp tục đi vào “vết xe đổ” trước đó. Vấn đề mấu chốt ở đây là việc tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng không chỉ kích cầu nền điện ảnh mà đồng thời cũng là sự sẻ chia trách nhiệm giữa cơ quan quản lý với những người đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.  
Để Luật Điện ảnh khi đi vào thực tiễn, thực sự phát huy hết vai trò, hiệu quả đóng góp, cả cơ quan quản lý cũng như các nhà làm phim đều phải ở trong thế chủ động. Chủ động chia sẻ và hợp tác. Chủ động hội nhập và phát triển với đích đến cuối là cùng nhau nhìn về một phía. Do đó, mọi quy định trong luật hay các bộ tiêu chí sẽ được hiện thực hóa trong các văn bản dưới luật, vừa phải mang tính tổng thể, vĩ mô nhưng cũng cần cụ thể, chi tiết, rõ ràng, tránh mơ hồ, mập mờ hay chung chung như hiện nay. Điều này cũng sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu thụ hưởng ngày càng tăng của công chúng, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới.  
Một điều quan trọng không kém, Luật Điện ảnh (sửa đổi) không thể ở vị trí đơn thương độc mã vì nó còn liên quan và cần được đồng bộ, kết nối với nhiều bộ luật khác: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phí và lệ phí, Luật An ninh mạng, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Thuế…  
Không thể phủ nhận lĩnh vực điện ảnh thời gian qua đã có rất nhiều sự cởi mở, đặc biệt liên quan đến công tác thẩm định và phân loại phim. Những tiếng nói đối thoại đã, đang và sẽ cần được lắng nghe, tiếp thu và hiện thực hóa để khi luật được thông qua sẽ là bước đà cho điện ảnh Việt cất cánh. Điện ảnh khi đó sẽ phát huy được vị thế không chỉ là lĩnh vực nghệ thuật mà còn là thành tố quan trọng của ngành công nghiệp sáng tạo, một ngành kinh tế.
HẢI DUY (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm