Bạn đọc

Thay đổi để tồn tại và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm mở cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang, tôi chính thức phải đóng cửa vào đầu tháng 11 năm nay. Đồng nghĩa quyết định này là có ít nhất 2 nhân viên mất việc làm. Có người năm nay đã ngoài 35 tuổi, gắn bó với cửa hàng nhiều năm. Để có thu nhập dù khiêm tốn trong lúc này là rất khó khăn dù đã trang bị đủ bằng cấp. Tự thay đổi, ứng biến linh hoạt để tồn tại và phát triển là yêu cầu mà mỗi chúng ta phải thực hiện. 
Thay vì lo lắng khi rơi vào cảnh thất nghiệp, phương án mới cho công việc đã được các bạn sẵn sàng. Tìm cách thay đổi để tự chủ cuộc sống là bài học được họ rút ra sau 2 năm chứng kiến những người thân quanh mình và người dân cả nước vất vả vì dịch Covid-19. “Nhà em có một mảnh vườn nhỏ, trước mắt em trồng rau củ quả sạch để đỡ tốn một khoản chi phí. Nếu dư, em đăng bán online để có thêm thu nhập. Em sẽ tìm thêm một số mặt hàng nông sản, tạo một cửa hàng trực tuyến để bán thêm”-bạn nhân viên chia sẻ như vậy trước lúc chia tay công việc gắn bó với mình suốt 5 năm qua.
Cũng cần nói thêm rằng, cửa hàng quần áo của tôi chủ yếu phục vụ khách hàng truyền thống, đến mua trực tiếp. Khi dịch bệnh xuất hiện, khách hàng hạn chế mua sắm do tâm lý lo sợ dịch bệnh và tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Hoạt động buôn bán ngày càng khó khăn và cửa hàng liên tục phải bù lỗ. Trong khi đó, hình thức kinh doanh trực tuyến lại nở rộ, khách hàng chốt đơn hàng khi xem live trực tuyến nhiều hơn. Chính từ xu thế ấy, nhân viên của tôi đã kịp đăng ký một khóa học về cách bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử như Shoope, Lazada để vận dụng kinh doanh. Sự chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang hình thức kỹ thuật số trở thành xu thế tất yếu, nếu không theo kịp, các cửa hàng bán lẻ truyền thống ở Phố núi cũng sẽ khó tồn tại. Cửa hàng của tôi là một ví dụ, nếu không theo kịp xu thế, dù kinh nghiệm và lượng khách hàng thân thiết không nhỏ, cũng sẽ khó trụ nổi.
Có rất nhiều cửa hàng bán lẻ ở Pleiku phải tạm đóng cửa sau một thời gian buôn bán khó khăn. Kéo theo đó là một lực lượng lao động không nhỏ bị mất việc làm. Nhưng tự chủ cuộc sống, trang bị kỹ năng, kiến thức để “nhảy số” theo kịp với thời đại kỹ thuật số chưa bao giờ là muộn, dù ở bất cứ độ tuổi nào. Sự tự chủ này không chỉ giúp người lao động tìm thấy cơ hội việc làm ở khắp mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả tự làm chủ mà trực tiếp là giúp các cửa hàng bán lẻ từ nhỏ đến lớn tìm thấy cơ hội hồi sinh, phục hồi hoạt động kinh doanh khi đang bước vào giai đoạn bình thường mới, đặc biệt trong mùa mua sắm cuối năm.
Khi đã đi qua những ngày u ám bởi dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường mới, trong một tâm thế mới, giúp chúng ta xác định mục tiêu rõ ràng hơn. Không chỉ mới xuất hiện nhưng chắc chắn thói quen mua sắm của nhiều người sẽ không thể quay trở lại như cũ. Những cửa hàng bán lẻ đã từng phải đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nếu có cơ hội hồi sinh sẽ phải mang một diện mạo và phương thức vận hành hoàn toàn khác. Khách hàng tiềm năng bây giờ không còn mất nhiều thời gian đến những cửa hàng, cửa hiệu, mà đã dần quen với những cú click chuột trên bàn phím máy tính hay điện thoại mua sắm mọi lúc mọi nơi.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm