Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thay đổi thời hạn ban hành bảng giá đất: Giữ 5 năm hay để 1 năm?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm. Điều này thay đổi nhiều so với quy định của luật hiện hành là bảng giá đất được xây dựng 5 năm một lần.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thay đổi thời hạn ban hành bảng giá đất. Ảnh: LDO
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thay đổi thời hạn ban hành bảng giá đất. Ảnh: LDO
Bảng giá đất thời gian 5 năm là “quá lâu”
Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại Chương X - tài chính về đất đai có nhiều điểm mới về bảng giá đất so với hiện hành.
Hiện nay, theo Luật Đất đai 2013, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ. 
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang có nhiều điểm mới hơn so với quy định hiện hành. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 130 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Trao đổi về việc này, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang - Chủ tịch Hội Cà phê Bất động sản Sài Gòn - cho rằng, việc bỏ quy định về khung giá đất sẽ mở ra cơ chế để giá đất “thân thiện” hơn với doanh nghiệp và người dân, trở thành động lực thúc đẩy thị trường bất động sản. 
Ông Quang cho rằng, xác định giá sát với thị trường không có nghĩa là để giá đất một cách “thả nổi” mà phải có các kênh thông tin tham khảo và sự quản lý của nhà nước. 
Để xác định được giá đất sát với thị trường cần xác lập dữ liệu thông tin về buôn bán, giao dịch đất đai. Như vậy mới có cơ sở xác định, so sánh, định giá đất trong giao dịch. Khi có cơ sở dữ liệu đó mới xác định được giá đất đúng.

Ông Trần Khánh Quang - Chủ tịch Hội Cà phê Bất động sản Sài Gòn.
Ông Trần Khánh Quang - Chủ tịch Hội Cà phê Bất động sản Sài Gòn.
Vị chuyên gia này phân tích, hiện nay, bảng giá đất do các địa phương quy định đang có thời gian 5 năm là “quá lâu”, độ trễ nhiều và không theo sát giá cả biến động của thị trường. Do vậy, ông cho rằng, bảng giá đất này cần được thiết lập hàng năm để có sự cập nhật. 
Để thông tin về thị trường bất động sản được minh bạch, cần có một bộ phận chuyên về nhập giá đất. Mặt khác, các thông tin về giao dịch bất động sản cần được thanh toán qua ngân hàng.
“Mấu chốt nhất là sự minh bạch. Khi đó mới tránh được cơ chế “2 giá” trong giao dịch bất động sản. Đồng thời giúp thị trường minh bạch, tránh thất thu thuế” - ông Quang nói.
Lo ngại tăng khối lượng công việc lớn cho cơ quan nhà nước cấp tỉnh
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) - cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phân cấp, giao trách nhiệm và thẩm quyền cho cấp tỉnh ban hành “bảng giá đất và định giá đất cụ thể” và Chính phủ vẫn giữ thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát là rất hợp lý.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, nếu quy định ban hành “bảng giá đất định kỳ hàng năm” thì sẽ làm tăng khối lượng công việc rất lớn cho các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Do hiện nay chưa xây dựng được chính quyền điện tử, hoạt động của bộ máy hành chính chưa được số hóa; chưa xây dựng được “cơ sở dữ liệu giá đất đầu vào” đầy đủ, đáng tin cậy, cập nhật theo thời gian thực (update real time), chưa xây dựng được “cơ sở dữ liệu về giá đất” theo “vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn”.  

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA).
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA).
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận, hiện nay, khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần. Tuy nhiên, do bị khống chế bởi cơ chế “khung giá đất”, nên “bảng giá đất” không đảm bảo sự phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, không phát huy được vai trò của “bảng giá đất” trong giai đoạn thực hiện Luật Đất đai 2013.
Từ phân tích của mình, ông Châu đưa ra nhận định, cơ chế “bảng giá đất định kỳ 05 năm một lần” và được xem xét điều chỉnh bằng các “hệ số điều chỉnh giá đất” hàng năm hoặc theo đối tượng, xét một cách thật khách quan thì có tính hợp lý, sát với thực tiễn, phù hợp với khả năng, trình độ hiện tại của bộ máy hành chính nước ta và nên được kế thừa trong xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Vương Trần (LĐO)

Có thể bạn quan tâm