Giáo dục

Tin tức

Thầy giáo Trịnh Tiến Dũng: Sáng tạo để cuốn hút học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Là giáo viên dạy môn Vật lý, đồng thời là Bí thư Đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), ThS. Trịnh Tiến Dũng luôn mong muốn tạo sân chơi hấp dẫn nhằm giúp các em học tốt, sống có định hướng. Các hoạt động do nhà giáo trẻ này tổ chức luôn sáng tạo, có sức cuốn hút bởi vừa nhiều kiến thức vừa đầy tính giải trí cho học sinh sau giờ học.
Tạo sân chơi hấp dẫn
Trước thực trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, tháng 11-2020, nhà giáo trẻ Trịnh Tiến Dũng lên kế hoạch tổ chức “Phiên tòa giả định” với trường hợp cụ thể là một thanh niên chưa đủ 18 tuổi điều khiển xe gây tai nạn chết người. Sự phối hợp giữa Đoàn trường và Chi Đoàn Tòa án-Viện Kiểm sát nhân dân-Thanh tra-Tư pháp-Thi hành án huyện khiến phiên tòa giả định có “sức nặng” đối với 1.200 học sinh trong toàn trường.
Thầy Dũng cho biết, giáo dục pháp luật cho học trò vốn đã khó, nếu nói suông chỉ như “nước đổ lá khoai”. Do vậy, anh luôn nghĩ cách đổi mới công tác tuyên truyền. Hàng năm, Đoàn trường tổ chức ngoại khóa “An toàn giao thông và phòng-chống các loại tội phạm” dưới nhiều hình thức như: trình bày tiểu phẩm, vẽ tranh biếm họa...
“Thông qua các sân chơi này, các em hiểu biết về một số luật cơ bản cũng như kỹ năng phòng-chống các loại tội phạm, xem đó là bài học quý báu cho cuộc sống của mình”-thầy Dũng cho hay.
Nhiều hoạt động “vừa học vừa chơi” do Bí thư Đoàn trường phát động đã kích thích sự hứng thú trong học sinh. Nếu sân chơi “Đố vui để học”, “Rung chuông vàng” tạo môi trường để học sinh các lớp giao lưu, học hỏi, bồi dưỡng kiến thức thì sân chơi “Khi tôi 18” là nơi để giáo dục lý tưởng cho các em.
Các bài hát truyền thống được Đoàn trường phát qua hệ thống phát thanh đã được đoàn viên, thanh niên hưởng ứng, học thuộc, sử dụng hát trong tiết sinh hoạt lớp, sân khấu văn nghệ, lan tỏa sự nhiệt huyết, dấn thân, dám sống với khát vọng tuổi trẻ cứ thế được nhân lên trong trái tim học trò.
“Phiên tòa giả định” là hình thức giáo dục pháp luật học sinh hiệu quả. Ảnh: Minh Châu
“Phiên tòa giả định” là hình thức giáo dục pháp luật học sinh hiệu quả. Ảnh: Minh Châu

Để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, thay vì mời chuyên gia, hàng năm, thầy Dũng liên hệ với cựu học sinh nhà trường đang học tập tại các trường đại học về tham gia tư vấn. Sự thành công của các thế hệ đi trước truyền cảm hứng cho thế hệ nối tiếp, giúp các em mạnh dạn bày tỏ băn khoăn, thắc mắc, tự tin hơn cho sự lựa chọn tương lai. Bí thư Đoàn trường chia sẻ: “Qua hoạt động này, chúng tôi cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, định hướng đúng đắn cho các em trong học tập và tìm hướng đi phù hợp với khả năng của mình”.

Nhiều mô hình, sáng kiến của thầy Dũng không chỉ giúp học sinh có thêm sân chơi mà còn tạo được sự gắn kết ấm áp trong học trò. Như mô hình gây quỹ từ thiện từ các hội diễn văn nghệ 20-11, 26-3 có bán vé. Hoạt động này quyên góp quỹ từ thiện của nhà trường hàng chục triệu đồng mỗi năm, được dùng để trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần chia sẻ, cổ vũ các em vươn lên trong học tập. Theo thầy Dũng, 5 năm đảm nhận vai trò “thủ lĩnh” Đoàn trường học, ý tưởng tổ chức các sân chơi đều xuất phát từ những gợi ý, mong muốn của học trò.
Thầy Dũng chia sẻ: “Đoàn trường tổ chức thăm dò xem học sinh có nguyện vọng gì để tổ chức sân chơi cho phù hợp. Giờ học chính khóa đối với các em đã áp lực, căng thẳng, do đó các sân chơi phải tạo được tiếng cười, những giây phút thư giãn để giải tỏa, tạo thêm năng lượng, sự hứng thú học tập. Được tham gia các hoạt động đúng với sở thích, các em sẽ phát huy được sự sáng tạo, năng động của mình. Chính bản thân tôi cũng được học trò truyền cảm hứng ngược lại để tiếp tục có thêm sáng kiến tổ chức các hoạt động giải trí bổ ích, tạo được “lực hấp dẫn” cho các em”.
“Học trò rất thông minh”
Là một nhà giáo trẻ, ThS. Trịnh Tiến Dũng còn được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nhiều đề tài do thầy Dũng hướng dẫn đã đạt giải trong sân chơi trí tuệ này bởi tính ứng dụng thực tiễn, như đề tài “Còi cảnh báo chưa gạt chân chống đối với xe máy số” đạt giải khuyến khích cấp tỉnh (năm 2016), đề tài đạt giải ba cấp tỉnh qua các năm như: “Quản lý sĩ số học sinh trong lớp” (năm 2017), “Thiết bị thông báo tin nhắn và tọa độ khi xe máy bị đổ nằm bằng GMS” (năm 2018), “Bãi đỗ xe thông minh” (năm 2020).
Thạc sĩ Trịnh Tiến Dũng chia sẻ: “Các đề tài nghiên cứu khoa học đều xuất phát từ thực tế. Tôi chỉ gợi ra ý tưởng, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu, còn làm nên sự thành công của đề tài là hoàn toàn dựa vào học sinh. Học trò bây giờ rất thông minh, năng động, các em đóng góp nhiều ý tưởng, cách làm sáng tạo mà chính bản thân tôi trong quá trình hướng dẫn cũng học hỏi được rất nhiều”. 
 Thạc sĩ Trịnh Tiến Dũng vừa đạt danh hiệu “Gương điển hình tiên tiến của Công đoàn Giáo dục Việt Nam” giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Minh Châu
Thạc sĩ Trịnh Tiến Dũng vừa đạt danh hiệu “Gương điển hình tiên tiến của Công đoàn Giáo dục Việt Nam” giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Minh Châu
Trong giai đoạn 2015-2020, năm học nào, nhà giáo trẻ Trịnh Tiến Dũng cũng hướng dẫn học sinh giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, giải toán trên máy tính cầm tay. Nhà giáo trẻ này cũng luôn trăn trở phương pháp giáo dục học sinh cá biệt và học sinh yếu kém. Anh may mắn có người bạn đời cũng là giáo viên dạy môn Vật lý trong trường, đó là cô giáo Nguyễn Thị Châm. Cả hai cùng mục tiêu, chí hướng trong nghề nghiệp, cuộc sống nên hỗ trợ nhau rất tốt trong các hoạt động Đoàn lẫn công tác chuyên môn.
“Là một Bí thư Đoàn, tôi lấy sự nhiệt huyết làm đầu. Là một nhà giáo, tôi luôn đặt sự tận tâm với nghề lên trên hết”-nhà giáo trẻ vừa đạt danh hiệu “Gương điển hình tiên tiến của Công đoàn Giáo dục Việt Nam” giai đoạn 2015-2020 nói về mình chỉ bằng hai câu ngắn gọn. Theo anh, sự nhiệt huyết, tận tâm với phong trào, với công tác giảng dạy giúp khơi nguồn cảm hứng cho học trò.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm