Cả nước có 20.000 hợp tác xã nhưng chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay...
Ảnh minh họa |
Để có vốn sản xuất, nhiều xã viên hợp tác xã phải thế chấp nhà cửa cho ngân hàng. Nguồn vốn luôn là bài toán nan giải của các xã viên hợp tác xã, bên cạnh đầu ra, công nghệ và quản trị.
Thế chấp nhà cửa để vay vốn trồng tiêu
Chị Nguyễn Thị Nga, một trong 15 thành viên của hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (Gia Lai), mang ra Hà Nội sản phẩm tiêu sạch thương hiệu Lệ Chí để trưng bày tại Hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã.
Tiêu sạch của chị Nga không khó đế thu hút khách tham quan, dù có giá gần gấp đôi so với các loại tiêu sản xuất theo phương thức thông thường.
Theo chị Nga, cả tỉnh Gia Lai mùa vừa qua chỉ có hai vườn đạt được chứng nhận sản phẩm tiêu hữu cơ USDA của Mỹ, trong đó có vườn nhà chị. Một lần kiểm tra phải thử gần 200 chất, gửi mẫu qua tận Hà Lan. Vườn tiêu hữu cơ chị Nga hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân vô cơ, mỗi năm cho sản lượng hơn 10 tấn và được bao tiêu đầu ra hoàn toàn.
"Chi phí trồng cây tiêu hữu cơ cao hơn tiêu thường chút ít, chủ yếu là chi phí cho phân hữu cơ. Chẳng hạn, phân bò là phải mua cho đúng chứ không sẽ trúng phân bò giả", chị Nga nói.
Tuy nhiên, để trồng được cây tiêu hữu cơ, cũng như có được đầu ra trước mắt thuận lợi, gia đình chị Nga phải đánh cược với rủi ro, đó là thế chấp tài sản cho ngân hàng mới có đủ vốn sản xuất.
"Không riêng chúng tôi mới dùng phương án này, mà đa số dân trong vùng hiện nay đều phải thế chấp tài sản để vay vốn trồng tiêu. Ai mà cũng muốn có nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước nhưng tiếp cận nguồn vốn này rất khó. Chưa nói là không thể tiếp cận được nếu không có tài sản thế chấp. Trong khi hợp tác xã mới thành lập, rất cần máy móc để phục vụ cho sản xuất. Hiện tại các thành viên hợp tác xã cũng chỉ bán hàng theo kiểu đơn giản nhất là đóng gói, dán nhãn thương hiệu rồi bán "sô" (bán chưa qua thành phẩm - P.V)", chị Nga giãi bày.
Thiếu vốn nhưng không dám vay
Cũng là một trong rất nhiều xã viên thiếu vốn để sản xuất, song ông Nguyễn Thành Long, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, thành viên hợp tác xã Tầm Vu, không dám thế chấp nhà cửa để vay vốn mà vừa làm vừa tích lũy dần.
Ông Long bắt đầu trồng thanh long cách đây 10 năm trên diện tích chỉ nửa hecta. Tới nay, ông đã có trong tay 10 hecta thanh long ruột đỏ đang độ thu hoạch và 10 hecta khác đang chuẩn bị trồng. Cứ mỗi hecta cho sản lượng trung bình từ 30 - 35 tấn trái/năm.
"Lúc mới bắt đầu trồng thanh long, chúng tôi rất khó khăn, nhưng nhà vườn nào cũng vậy. Chi phí vốn đầu tư mặt bằng sản xuất, tiền mua trụ, hom (gây) giống, công cán, phân bón… ban đầu rất lớn. Gia đình tôi hạn chế vay ngân hàng ở mức thấp nhất và xác định làm nhỏ trước rồi muốn làm lớn thì tính sau. Ai cũng muốn mở rộng quy mô khi đã có kinh nghiệm nhưng đều bị kẹt ở nguồn vốn", ông Long nói.
Châu Thành là huyện nổi tiếng với trái thanh long khi 70% đất đai nông nghiệp trồng loại cây này. Thanh long được xác định là cây có khả năng giúp nông dân thu hồi vốn nhanh, thu nhập cao gấp 2 - 5 lần trồng lúa, nhưng để có nguồn vồn rẻ và đa dạng, lại là vấn đề khác.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước có hơn 20.000 hợp tác xã đang hoạt động với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay, còn lại là chủ yếu tự xoay xở.
Việc tiếp cận nguồn vốn của các xã viên như chị Nga, ông Long khó khăn được lý giải là đầu ra không đảm bảo. Đó chính là rủi ro khi các ngân hàng xác định có cung cấp tín dụng hay không.
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn, hiện ngân hàng hàng đã cung cấp tín dụng cho một số hợp tác xã nhưng chưa có hợp tác xã nào hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nên trong thời gian tới, việc cung cấp vốn cho xã viên nông nghiệp sẽ được triển khai
Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ liên kết với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Nông nghiệp hữu cơ tổ chức mô hình chuỗi giá trị nông sản cho các hợp tác xã, từ vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất cho đến khâu chế biến và tiêu thụ (bao tiêu đầu ra).
"Chúng tôi cũng mời một đơn vị bảo hiểm hàng hóa và giá cả để tham gia chương trình đó. Với cách tổ chức như thế, tôi tin là rủi ro cho ngân hàng sẽ rất là hạn chế bởi vì chúng ta đã đảm bảo được đầu ra, tức là nguồn trả nợ cho xã viên. Tôi tin là mô hình này sẽ rất hiệu quả trong thực tế", ông Văn nhấn mạnh.
Ông Văn khẳng định tiêu chí cho các xã viên về vay vốn là họ phải tham gia chuỗi giá trị. Vì chỉ khi tham gia chuỗi, họ mới được hỗ trợ về kĩ thuật, công nghệ, phân bón, con giống và đầu ra.
Duyên Duyên (vneconomy)