Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thế hệ viết văn trẻ ở Gia Lai cần thêm những "cú hích"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lớp bồi dưỡng “Sáng tác văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số” năm 2023 do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Gia Lai tổ chức vừa bế mạc sau 2 tuần diễn ra với chuỗi hoạt động mới mẻ, hữu ích. Sau khoảng thời gian dài im vắng vì nhiều lý do, hoạt động bồi dưỡng văn trẻ năm nay nhận được sự hưởng ứng tích cực, song vẫn cần thêm những “cú hích” để khuyến khích một lứa viết mới đủ sức đảm đương vai trò kế cận.

Không khó hiểu về khoảng hẫng trong thế hệ viết trẻ hiện nay tại Gia Lai. Lý do đầu tiên đến từ ý chí của chính chủ thể sáng tạo. Chia sẻ suy nghĩ tại buổi tọa đàm về văn trẻ-văn học dân tộc thiểu số (DTTS), một học sinh bày tỏ rất thích lao động chữ nghĩa của nhà văn, nhà thơ nhưng lại e ngại thể hiện do sợ công việc khó kiếm tiền và nuôi sống bản thân. Về mặt khách quan, công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ viết trẻ của các cấp, ngành cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Điều này dẫn đến thực trạng “chưa có những tác phẩm đủ tầm, chưa chạm được vào cái mạch, cái lõi của Tây Nguyên” như nhận định của nhà văn Cao Duy Sơn-Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Cũng không thể không trăn trở khi hội viên trẻ tuổi nhất của Hội VHNT Gia Lai năm nay đã… trên 30 tuổi.

Lớp bồi dưỡng “Sáng tác văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số” năm 2023 thu hút đông đảo học viên tham gia. Ảnh: P.D

Lớp bồi dưỡng “Sáng tác văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số” năm 2023 thu hút đông đảo học viên tham gia. Ảnh: P.D

Trong điều kiện đó, lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ-Văn học DTTS” năm 2023 đã bắt đúng mạch, đúng yêu cầu thực tế. Minh chứng là số lượng đăng ký tham gia tăng từ 25 học viên (là học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku) lên 31 học viên do một số em nghe thông tin về lớp học đã chủ động tìm đến. Trong chuỗi hoạt động của lớp bồi dưỡng, học viên được gặp gỡ, trao đổi với một số nhà văn, nhà thơ; tham dự buổi tọa đàm do Hội VHNT 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum phối hợp tổ chức với chủ đề “Văn học trẻ-Văn học DTTS Tây Nguyên: Những vấn đề cần suy ngẫm”.

Ngoài ra, các em được đi thực tế tại một số điểm đến văn hóa-lịch sử như: di tích Nhà lao Pleiku, Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm và thắng cảnh Biển Hồ (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Từ những trải nghiệm này, các học viên đã sáng tạo 35 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm được Ban tổ chức lớp bồi dưỡng đánh giá cao.

Nhận xét về tác phẩm của học viên lớp bồi dưỡng, nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh-cho rằng: “Tuy còn chưa thật sự hoàn thiện, chỉn chu và cần phải cắt tỉa, gọt giũa nhiều nhưng có những tác phẩm khiến chúng tôi phấn chấn”. Nhà thơ Ngô Thanh Vân điểm qua một vài nhân tố đáng chú ý như: Nguyễn Thanh Nam (Trường THPT chuyên Hùng Vương) với tác phẩm “Tranh khuyết”; Chu Quỳnh Nhi (Trường THCS Nguyễn Huệ) với tác phẩm “Một nghìn con hạc giấy”. Bên cạnh đó, một số tác phẩm đạt chất lượng tại lớp bồi dưỡng lần này cũng sẽ được Hội góp ý chỉnh sửa và gửi cộng tác mục “Sáng tác trẻ” ở một số báo, tạp chí nhằm khích lệ các cây bút mới.

Trò chuyện cùng P.V, em Chu Quỳnh Nhi không giấu niềm vui: “Đây là môi trường rất thú vị đối với em vì trước giờ em chỉ học văn trong nhà trường. Cách tiếp cận của các cô chú rất khác và mới mẻ, đề cập đến những vấn đề mà trước đây em chưa từng được biết. Ấn tượng sâu sắc nhất của em là chuyến đi thực tế để có thêm cảm hứng sáng tạo. Năm tới, em sẽ ôn thi vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Hùng Vương nên đây là bước đệm cần thiết”.

Còn em Nguyễn Tuấn Anh (lớp 12C7, Trường THPT Phan Bội Châu) thì chia sẻ: “Em tham gia lớp bồi dưỡng với mong muốn tìm hiểu thêm về quá trình sáng tác của tác giả, những khó khăn hoặc điều gì thôi thúc đam mê của họ. Không ngờ đến đây em học thêm được nhiều điều hơn thế, nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của văn học”.

Nhà văn Hồ Huy Sơn (TP. Hồ Chí Minh, khách mời tham gia chia sẻ kinh nghiệm sáng tác tại lớp bồi dưỡng văn trẻ) đề xuất Hội VHNT Gia Lai nên tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 1 lần cho các cây bút trẻ. Ảnh: Phương Duyên

Nhà văn Hồ Huy Sơn (TP. Hồ Chí Minh, khách mời tham gia chia sẻ kinh nghiệm sáng tác tại lớp bồi dưỡng văn trẻ) đề xuất Hội VHNT Gia Lai nên tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 1 lần cho các cây bút trẻ. Ảnh: Phương Duyên

Dù vậy, lớp bồi dưỡng văn trẻ nói trên cũng gợi những băn khoăn. Ví dụ, không có học viên người DTTS tham gia lớp bồi dưỡng lần này. Đây là khoảng trống đáng lưu ý trong phát triển văn học DTTS, là lý do khiến “trong văn chương Tây Nguyên, đề tài DTTS chỉ là thoáng qua bởi tác giả người DTTS rất ít; số tác giả người Kinh thì bị hạn chế về ngôn ngữ, vốn sống…”-như nhà văn Thu Loan từng phát biểu.

Với lớp bồi dưỡng, ngoài mục tiêu phát hiện, ươm mầm những cây bút trẻ để đào tạo đội ngũ kế cận cho văn học tỉnh nhà, hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch số 961/KH-UBND ngày 19-7-2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng DTTS giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

Thiết nghĩ, khi các lớp bồi dưỡng được chú trọng tổ chức thường xuyên, với nhiều chủ đề khác nhau thì sẽ góp phần khơi gợi cảm hứng và mở ra không gian sáng tạo cho các tác giả. Bên cạnh đó, tạo sân chơi từ các cuộc thi viết dành cho đối tượng này cũng là một cách khuyến khích những ai yêu lao động chữ nghĩa, nhất là các tác giả DTTS. Cần hơn nữa là sự hướng dẫn ân cần từ lớp người đi trước.

Dù biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nhìn sang tỉnh bạn Đak Lak, chúng ta không khỏi suy nghĩ. Một số trại viết tại đây đã được duy trì thường xuyên, đáng chú ý là Trại sáng tác thơ-văn Núi Hoa do Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Cư Mgar tổ chức cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn với bề dày 26 năm. So với các tỉnh trong khu vực, Gia Lai “đến muộn” tại sân chơi văn trẻ, vậy nên cần lắm sự khẩn trương để bắt kịp bạn bè.

Có thể bạn quan tâm