Thể thao ở người cao tuổi: Đừng chủ quan!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tập thể dục đúng cách rất có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi. Tuy nhiên, đối với người từ 60 tuổi trở lên, nếu tập luyện không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với cơ thể.

Hiện nay, tại các công viên trên địa bàn TPHCM, rất nhiều người cao tuổi thường xuyên đến tập luyện thể dục, thể thao.

Là người thường xuyên tập thể dục tại công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM, ông N.V.H (67 tuổi, sống tại quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Tôi tập thể dục dưỡng sinh mỗi buổi sáng tại đây, sáng 5 giờ là tập rồi, tập sớm cho không khí mát mẻ, giờ đó xe cộ ít nên ít ồn ào, khói bụi. Tôi tập khoảng 40 phút thì đi bộ vài vòng rồi về”.


 

 Người cao tuổi chơi cầu lông tại công viên Gia Định (TPHCM). Ảnh: TRỊNH THIỆP
Người cao tuổi chơi cầu lông tại công viên Gia Định (TPHCM). Ảnh: TRỊNH THIỆP



Theo các chuyên gia y tế, việc tập luyện thể dục thể thao rất cần thiết cho mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu lười vận động sẽ dẫn đến việc cơ bắp teo theo thời gian, sức bền và các kỹ năng vận động cũng suy giảm dần.

Hơn nữa, ở người cao tuổi ít vận động, khả năng mắc các bệnh như tiểu đường, loãng xương sẽ rất cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, người trên 65 tuổi nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần.

Tuy nhiên, không phải người cao tuổi cứ tập thể dục, thể thao là tốt cho sức khỏe. Để đạt hiệu quả và tránh những tác dụng ngược, người cao tuổi cần có phương pháp tập luyện phù hợp.

Theo Th-Bs Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, trong tập luyện thể dục, thể thao cường độ tập luyện là quan trọng nhất.

“Nhiều người cao tuổi không biết tự lượng sức mình, tập luyện với cường độ quá cao. Việc này sẽ gây ra chấn thương. Cần tập luyện với cường độ và tần suất phù hợp. Không phải cứ tập luyện càng nhiều càng tốt. Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp người cao tuổi nhập viện cứu cấp do tập thể dục, thể thao không đúng phương pháp”, BS Đức Thành cho biết thêm.

Trường hợp, nếu tập luyện với cường độ quá cao, ráng sức sẽ khiến người cao tuổi dễ bị chấn thương, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, quá tải về hệ thần kinh phổi, suy hô hấp…

Cũng theo BS Đức Thành, người cao tuổi nên chọn các bộ môn thể thao có cường độ thấp mang tính thư giản như: yoga, thể dục dưỡng sinh, thái cực quyền, đạp xe, bơi lội. Người cao tuổi nên tránh tập những môn mang tính chất đối kháng với cường độ cao.

BS Đức Thành cũng khuyến cáo, nếu đam mê những môn thể thao có cường độ cao thì người cao tuổi phải đi thăm khám bác sĩ có chuyên môn để được xác định chức năng của tim, phổi, đánh giá tổng quát xem họ phù hợp với bộ môn thể thao nào, để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra khi tập luyện.

Sai lầm tiếp theo là người cao tuổi thường thức dậy rất sớm để tập thể dục, có người 4-5 giờ sáng đã bắt đầu tập luyện. Tuy nhiên, BS Đức Thành chia sẻ, buổi sáng nhiệt độ thấp nên rất lạnh, chưa có ánh nắng mặt trời, vì vậy có nhiều rủi ro xảy ra nếu tập thể dục như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Do đó, người cao tuổi không nên tập thể dục, thể thao quá sớm vào buổi sáng, nếu tập thì phải có ánh nắng mặt trời. Vì khi có ánh nắng mặt trời thì hàm lượng oxi trong không khí sẽ tốt hơn, có lợi cho sức khỏe.

Việc tập luyện thể dục, thể thao đúng cách sẽ hỗ trợ người cao tuổi trong việc phòng và trị bệnh. Điển hình là phòng ngừa bệnh loãng xương, tiểu đường, tim mạch, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, vận động phù hợp sẽ giúp loại bỏ nguy cơ teo cơ bắp ở người từ 60 tuổi trở lên.

KIM HUYỀN (sggp)

Có thể bạn quan tâm