Kinh tế

Doanh nghiệp

Thêm kênh vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau nửa năm thành lập, mới đây, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã khởi động các chương trình cho vay năm 2016, trong đó có những quy định khá cởi mở về điều kiện tài sản bảo đảm của doanh nghiệp khi vay vốn. Vậy là ngoài những kênh vốn thông thường, DNNVV tại Gia Lai hiện đã có thêm một kênh vốn mới.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nga-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.900 doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số gần 3.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Trong đó, chiếm trên 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp cần được hỗ trợ vốn là rất lớn, nhất là trong hoàn cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế vẫn còn khá nặng nề. Tuy nhiên, DNNVV hiện rất khó khăn trong việc đáp ứng điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là quy định về tài sản bảo đảm và quy định về hồ sơ thủ tục. Do vậy, sự ra đời của Quỹ Phát triển DNNVV đã mang lại nhiều hy vọng trong việc tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được hỗ trợ vốn. Ảnh: K.L
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được hỗ trợ vốn. Ảnh: K.L

Bà Nguyễn Thị Hồng-Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV cho biết: “Quỹ Phát triển DNNVV có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp thực hiện chức năng hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu về vốn để đầu tư các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Chúng tôi xác định đây là khoản vốn ban đầu để cho Quỹ khởi động, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Từ năm 2016, Quỹ ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay đối tượng hỗ trợ của Quỹ với mức lãi suất ưu đãi là 5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn. Đồng thời, Quỹ cũng phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện các hoạt động và chương trình hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực cho các DNNVV”.
 

Danh mục lĩnh vực ưu tiên của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: sản phẩm đầu ra được sản xuất có chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới; tính đổi mới: đổi mới trang-thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động, chế tạo, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao; môi trường: sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường hoặc sản phẩm sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát thải thấp, có giải pháp bảo vệ môi trường bền vững...

Tới thời điểm này, Gia Lai là một trong 3 địa phương của cả nước đã tổ chức hội thảo về các phương thức hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Là một trong những doanh nghiệp tham dự hội thảo, ông Đào Trọng Hải-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Gas Hải Lưu Gia Lai tỏ ra khá quan tâm tới việc tiếp cận nguồn vốn này. Tuy nhiên, như Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV trả lời tại hội thảo, với khối lượng vốn 2.000 tỷ đồng thì không thể đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ DNNVV trên toàn quốc. Chính vì thế, Quỹ phải đề ra những tiêu chí ưu tiên hỗ trợ. Cụ thể, các doanh nghiệp đến trước và đáp ứng tốt nhất những điều kiện trong các tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT về ban hành danh mục lĩnh vực ưu tiên của Quỹ Phát triển DNNVV.

Tin vui cho các DNNVV khi tiếp cận được nguồn vốn này là các chương trình hỗ trợ của Quỹ phối hợp với các ngân hàng thương mại để cho vay từ năm 2016 sẽ có quy định rất mới, đó là điều kiện về tài sản bảo đảm nới lỏng hơn rất nhiều so với điều kiện hiện nay của các ngân hàng thương mại. Theo đó, ngân hàng thương mại khi nhận ủy thác từ Quỹ thì không được phép yêu cầu các DNNVV cung cấp tài sản bảo đảm vượt quá 100% giá trị khoản vay. DNNVV có quyền lựa chọn tài sản để bảo đảm cho khoản vay, có thể dùng tài sản hình thành từ chính nguồn vốn vay để bảo đảm cho khoản vay.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm