Giáo dục

Thí điểm giáo dục STEM ở bậc tiểu học: Hiệu quả bước đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) từ đầu năm học 2023-2024, đến nay, hoạt động giáo dục STEM ở bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã từng bước “vào guồng”.

Không chỉ mở rộng, nâng cao hiệu quả giáo dục thực hành, hoạt động dạy học này còn khơi gợi sự tò mò khám phá và thúc đẩy khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề của học sinh.

Quyết tâm từ cơ sở

Giờ học môn Tự nhiên và Xã hội của lớp 3/1, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) sôi động và hấp dẫn hơn thường ngày khi cô giáo Nguyễn Thị Bích Diễm lựa chọn giảng dạy theo bài học STEM. Sau khi cung cấp kiến thức về các bộ phận của thực vật, cô Diễm chia học sinh thành 6 nhóm để thực hành làm sổ lật gồm 3 trang để giới thiệu về cây cối.

“Bài học STEM có môn học chủ đạo là Tự nhiên và Xã hội, tích hợp cùng môn Mỹ thuật và Toán đã tạo nên không khí học tập sôi nổi và đầy hào hứng. Học sinh có cơ hội rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng như: làm việc nhóm, vẽ, nhận dạng và sắp xếp hình ảnh, quan sát, thuyết trình; đặc biệt là kỹ năng tự học, tự nghiên cứu để khám phá nhiều kiến thức cần thiết nhằm tạo ra sản phẩm theo yêu cầu”-cô Diễm nhìn nhận.

Học sinh lớp 3 1, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cùng thiết kế sản phẩm sổ lật về cây trong tiết học STEM môn Tự nhiên và Xã hội. Ảnh: Mộc Trà

Học sinh lớp 3 1, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cùng thiết kế sản phẩm sổ lật về cây trong tiết học STEM môn Tự nhiên và Xã hội. Ảnh: Mộc Trà

Em Văn Gia Ngọc vui vẻ nói: “Em cảm thấy tiết học rất thú vị và bổ ích. Em cùng với các bạn được tự do sáng tạo để hoàn thành 1 cuốn sổ lật về cây và giới thiệu nó trước cả lớp. Ngoài ra, qua phần thuyết trình của các nhóm, em còn biết thêm nhiều kiến thức thú vị về đặc điểm của rễ, thân, lá của nhiều loài cây khác nhau. Em mong sắp tới sẽ tiếp tục được học nhiều tiết học tương tự như thế này”.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn là 1 trong 5 cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku đăng ký triển khai thí điểm hoạt động giáo dục STEM. Theo Hiệu trưởng Trương Tiến Sỹ, tháng 10-2023, sau khi tập huấn cho giáo viên, nhà trường đã lựa chọn 10 lớp (mỗi khối 2 lớp) để thực hiện bước đầu.

Các môn học dạy theo bài học STEM gồm: Toán, Mỹ thuật, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học… với thời lượng từ 1-2 tiết/môn/học kỳ, đảm bảo phù hợp và phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh.

Tương tự, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cũng tích cực triển khai thí điểm hoạt động giáo dục STEM cho tất cả các lớp từ khối 1 đến khối 5. Cô Khổng Quang Ánh-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ ở tất cả các khối lớp trong năm học 2023-2024.

Theo đó, trong học kỳ I, mỗi giáo viên dạy ít nhất 1 tiết giáo dục STEM/lớp và tăng lên ít nhất 2 tiết/lớp ở học kỳ II. Để dạy học STEM đạt hiệu quả, nhà trường đã tổ chức 2 tiết sinh hoạt chuyên môn cấp trường và tham gia thao giảng chuyên đề cấp thị xã.

Qua các hoạt động, giáo viên cơ bản hình dung về các hình thức tổ chức giáo dục STEM, tiến trình thực hiện bài học STEM tích hợp nội môn hoặc liên môn phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tiễn.

Học sinh lớp 4 (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) hào hứng tham gia tiết học STEM môn Âm nhạc. Ảnh: Mộc Trà

Học sinh lớp 4 (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) hào hứng tham gia tiết học STEM môn Âm nhạc. Ảnh: Mộc Trà

“Mặc dù tiết học STEM kéo dài hơn bình thường nhưng không khí lớp học vẫn rất sôi nổi. Giáo viên chỉ cung cấp kiến thức nền cho học sinh trong khoảng 20-30 phút đầu giờ, thời gian còn lại đều dành để học sinh sáng tạo sản phẩm dựa trên kiến thức nền vừa lĩnh hội.

Dự kiến trong tháng 1-2024, nhà trường sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM cấp trường cho tất cả học sinh khối lớp 3, 4, 5 ở cả 2 cơ sở”-cô Ánh cho biết.

Hiệu quả bước đầu

Thị xã An Khê là địa phương duy nhất trong tỉnh áp dụng thí điểm giáo dục STEM cho tất cả 9 trường có bậc tiểu học trên địa bàn. Theo Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Lê Thị Kiều Hạnh, từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, các trường đã tổ chức dạy được 369 tiết giáo dục STEM; trong đó có 76 tiết lớp 1, 68 tiết lớp 2, 82 tiết lớp 3, 88 tiết lớp 4 và 55 tiết lớp 5. Hoạt động giảng dạy trên tinh thần thí điểm, vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm.

Qua các tiết STEM, học sinh tham gia rất hào hứng; năng lực cùng tính chủ động, sáng tạo trong vận dụng kiến thức liên môn của các em được phát huy.

Qua các tiết STEM, học sinh tham gia rất hào hứng; năng lực cùng tính chủ động, sáng tạo trong vận dụng kiến thức liên môn được tăng cường và phát huy. Ảnh: Mộc Trà

Qua các tiết STEM, học sinh tham gia rất hào hứng; năng lực cùng tính chủ động, sáng tạo trong vận dụng kiến thức liên môn được tăng cường và phát huy. Ảnh: Mộc Trà

“Ngày 16-12 vừa qua, tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Phòng cũng đã tổ chức thao giảng chuyên đề “Bài học STEM lớp 3 đáp ứng dạy học phát triển năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc tiểu học” với sự tham gia của cán bộ, giáo viên thuộc 9 trường.

Các giáo viên đã dự giờ, chia sẻ theo hình thức sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; thảo luận những khó khăn, giải pháp trong triển khai hoạt động giáo dục STEM tại trường, lớp cũng như định hướng triển khai dạy học STEM trong thời gian đến”-bà Hạnh thông tin.

Giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để phát triển phẩm chất, năng lực và giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Giáo dục STEM có 3 hình thức: bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM và làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Hoạt động giáo dục STEM ở bậc tiểu học được Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2022-2023 cho một số cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Lào Cai, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Đak Lak, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Đến năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương này tiếp tục triển khai thực hiện đến tất cả cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn; đồng thời, chỉ đạo các tỉnh, thành phố còn lại xây dựng kế hoạch triển khai theo lộ trình từng giai đoạn (mỗi tỉnh chọn ít nhất 5 đơn vị cấp huyện, mỗi đơn vị cấp huyện chọn ít nhất 5 cơ sở giáo dục tiểu học để thí điểm thực hiện).

Ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho hay: Toàn tỉnh hiện có 285 trường có bậc tiểu học (206 trường tiểu học; 76 trường tiểu học và THCS; 3 trường tiểu học, THCS và THPT).

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở đã lựa chọn 5 địa phương triển khai thí điểm giáo dục STEM bậc tiểu học gồm: Pleiku, An Khê, Ia Grai, Chư Sê và Krông Pa. Qua đăng ký, mỗi địa phương có 5 trường tham gia thí điểm, riêng thị xã An Khê có 9 trường.

Thực hiện kế hoạch, các trường đã làm tốt công tác truyền thông định hướng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 100% cán bộ quản lý, giáo viên của 29 trường thí điểm đã được tập huấn, bồi dưỡng về tổ chức hoạt động giáo dục STEM.

Mặc dù Sở GD-ĐT chỉ yêu cầu mỗi học kỳ, các trường dạy từ 1-2 tiết giáo dục STEM. Tuy nhiên, từ đầu năm học đến nay, 29 trường thí điểm đã tổ chức dạy được tổng cộng 619 tiết giáo dục STEM (chủ yếu tập trung ở các lớp 1, 2, 3, 4); trong đó, trường nhiều nhất 85 tiết, ít nhất 1 tiết.

Nếu tính theo địa phương, các trường ở An Khê thực hiện được 369 tiết, Chư Sê 112 tiết, Ia Grai 81 tiết, Pleiku 43 tiết và Krông Pa 14 tiết giáo dục STEM.

Đây là kết quả đáng mừng bước đầu và cũng là nền tảng để tỉnh triển khai đại trà ở tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trong năm học 2024-2025 theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT.

Có thể bạn quan tâm