Sáng 18-5, thông tin từ đoàn Việt Nam tham gia hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế 2024 (Regeneron ISEF 2024) cho biết học sinh Việt Nam đã giành được một giải nhì.
Đặc biệt, đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được sau 12 năm kể từ khi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức trên phạm vi cả nước và tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế từ năm 2012 đến nay.
Em Nguyễn Lê Quốc Bảo và em Lê Tuấn Hy, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM |
Regeneron ISEF 2024 được tổ chức từ ngày 11 đến 17-5 tại Los Angeles, California, Mỹ. Hội thi năm nay có 64 quốc gia tham dự với 1.699 học sinh trung học và gần 1.700 dự án dự thi. Trong đó có 1.082 dự án cá nhân, 271 dự án tập thể thuộc 21 lĩnh vực.
Tổng số giải của Regeneron ISEF 2024 (bao gồm giải nhất, nhì, ba, tư) chiếm khoảng 25% tổng số dự án dự thi. Trong đó, mỗi lĩnh vực có 1 giải nhất, một số ít lĩnh vực có nhiều dự án dự thi được trao 2 giải nhất; từ 2-3 giải nhì; còn lại là giải ba và giải tư.
Đoàn giáo viên và học sinh Việt Nam tại Mỹ |
Tham dự hội thi năm nay, đoàn Việt Nam gồm 17 học sinh với 9 dự án (được lựa chọn từ 149 dự án tham dự Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2023-2024) đến từ Hải Phòng, Hà Nội, Lâm Đồng, Quảng Trị, Tuyên Quang và TP HCM, Đại học Sư phạm. Đoàn Sở GD-ĐT TPHCM có nhóm 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với 1 dự án.
Đoàn Việt Nam đoạt 1 giải nhì thuộc lĩnh vực phần mềm hệ thống. Đó là dự án của em Nguyễn Lê Quốc Bảo và em Lê Tuấn Hy, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM.
Dự án của 2 học sinh này đồng thời cũng nhận được giải tư (Special Awards) do Hiệp hội Tin học Mỹ trao tặng.
Khoảnh khắc học sinh Việt Nam được vinh danh |
Dự án "Phần mềm tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối trong không gian 3D mô phỏng cho ứng dụng thực hành y khoa" của nhóm học sinh Nguyễn Lê Quốc Bảo và Lê Tuấn Hy được ứng dụng AI, hướng tới việc hỗ trợ y, bác sĩ và chuyên gia chẩn đoán hình ảnh đưa ra kết quả chẩn đoán từ hình chụp chiếu cắt lớp bằng việc tái tạo những hình ảnh 2D chuyển sang 3D mô phỏng, qua đó dễ dàng phục vụ cho thực hành y khoa.
Trước đó, vào năm 2012, học sinh Việt Nam từng giành 1 giải nhất lĩnh vực của học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.