Giáo dục

Tin tức

Thi tốt nghiệp THPT: Sẵn sàng kịch bản cho các tình huống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các địa phương đang rốt ráo hoàn tất các công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để đảm bảo mục tiêu kép: Vừa an toàn phòng chống dịch, vừa đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)


Chỉ còn một tuần nữa, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chính thức diễn ra. Hiện công tác chuẩn bị cho kỳ thi cơ bản đã được các địa phương hoàn tất, sẵn sàng tổ chức kỳ thi tốt nhất; trong đó vấn đề đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ tham gia kỳ thi trong bối cảnh dịch COVID-19 là vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Xét nghiệm sàng lọc, bố trí dự phòng

Tại tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết tỉnh hiện có 11 học sinh lớp 12 đang ở vùng phong tỏa hoặc chưa hết thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà và đang ở vùng có dịch.

Theo ông Đức, nếu có quyết định dỡ bỏ phong tỏa trước ngày 6/7 và không phát sinh ca nhiễm mới, các thí sinh này sẽ được dự thi và Thái Nguyên dự kiến sẽ tổ chức thi đợt một cho tất cả thí sinh theo nguyện vọng của các em.

Tuy nhiên, sở cũng luôn theo sát tình hình dịch bệnh, liên tục rà soát danh sách thí sinh đang ở vùng cách ly, phong tỏa các đối tượng diện F0, F1, F2 để kịp thời báo cáo ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Tùy tình hình thực tiễn, tỉnh sẽ có quyết định cụ thể về phương án tổ chức thi trên tinh thần đảm bảo cao nhất là an toàn sức khỏe cho mọi người tham gia cũng như an toàn quy chế.

Với tinh thần đó, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đảm bảo việc phòng chống dịch ở từng điểm thi được rốt ráo hoàn tất. Cụ thể, mỗi điểm thi đều có hai phòng cách ly tạm thời cho người nghi ngờ mắc COVID-19 để theo dõi y tế; một phòng trực y tế đảm bảo đủ phương tiện phòng dịch. Trước ngày 6/7, tất cả các điểm thi sẽ được vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn. Dự kiến ngày mai, 1/7, Thái Nguyên sẽ thực hiện xét nghiệm PCR cho 100% lực lượng tham gia làm thi để đảm bảo không có bất kỳ nguồn lây nào từ đối tượng này.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, tình nguyện viên và thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 cũng là giải pháp được thành phố Đà Nẵng triển khai để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Số lượng người được xét nghiệm dự kiến khoảng trên 16.000 người, trong đó có trên 12.700 thí sinh.

Tại Kon Tum, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đinh Thị Lan cho biết địa phương đã bố trí 20 phòng chờ, 33 phòng thi dự phòng, 12 điểm thi dự phòng tương ứng với điểm thi chính thức, sẵn sàng kích hoạt khi phải tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.


 

 Năm 2021, kỳ thi tiếp tục được diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 như năm 2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Năm 2021, kỳ thi tiếp tục được diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 như năm 2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang là tâm dịch phức tạp của cả nước, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết mỗi quận, huyện sẽ bố trí từ một đến ba điểm thi dự phòng. Mỗi điểm thi có hai phòng thi dự phòng. Cũng theo ông Nam, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tổ chức sàng lọc, cung cấp và cập nhật danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi và thí sinh thuộc các diện F0, F1, F2. Toàn bộ cán bộ, giáo viên làm công tác thi và thí sinh được xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Sở cũng đã xây dựng nhiều kịch bản và sẵn sàng chờ quyết định chính thức của thành phố.

Siết kỷ cương trường thi

Bên cạnh việc nâng cao tinh thần phòng chống dịch, công tác đảm bảo an ninh thi cử cũng vẫn được ban chỉ đạo thi đặc biệt chú trọng.

Năm nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 17.000 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉnh đã bố trí 33 điểm thi, huy động hơn 2.900 cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhiều lực lượng giáo dục, công an, y tế… tham gia làm công tác coi thi, thanh tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Phạm Việt Đức cho hay tất cả lực lượng này, theo từng nhiệm vụ, đã tham gia tập huấn quy chế thi, nghiệp vụ thanh. Các cán bộ đều phải vượt qua bài kiểm tra sau tập huấn mới được lựa chọn để tham dự vào các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi.

Tại Lạng Sơn, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoàng Quốc Tuấn, tỉnh huy động 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên các ngành giáo dục, công an, y tế… tham gia các nhiệm vụ coi thi, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Thành viên của các hội đồng thi, cán bộ coi thi, thanh tra thi được tập huấn đế ba lần. Mỗi trường trung học phổ thông tiếp tục tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia làm thi với mục tiêu đảm bảo từng thành viên tham gia quá trình tổ chức kỳ thi đều nắm vững quy chế.

Trong những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thực hiện kiểm tra công tác chuẩn bị thi của nhiều địa phương. Đại diện thanh tra bộ nhấn mạnh một số điểm mới trong công tác thanh tra, hướng dẫn và lưu ý các địa phương cần kiểm tra kỹ vị trí các phòng, thiết bị lưu trữ, camera, đảm bảo an toàn tối đa. Mọi cán bộ tham gia làm thi đều phải có biển hiệu ghi rõ tên và nhiệm vụ được giao…

Đánh giá cao sự tích cực, chủ động, chuẩn bị chu đáo của các địa phương cho kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đề nghị tỉnh, thành tiếp tục rà soát các công việc còn lại, bám sát Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của bộ, bám sát thực tiễn nhằm đảm bảo mục tiêu kép: Vừa an toàn phòng chống dịch, vừa nghiêm túc trong thi cử.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ tiếp tục được thực hiện thành hai đợt như năm 2020. Đợt một sẽ diễn ra đúng theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo là vào các ngày 7 và 8/7 dành cho các thí sinh không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các thí sinh thuộc đối tượng F0, F1, F2 và thí sinh trong khu vực bị cách ly, phong tỏa sẽ dự thi đợt hai.

 

Theo Hà An (Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm