Bộ Xây dựng cho biết sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Người dân đi xem đất dự án. Ảnh: Anh Huy |
Sức nóng của thị trường bất động sản sau đợt dịch lần thứ 4 chưa có dấu hiệu dừng lại khi lượng giao dịch vẫn tiếp diễn sôi động và giá một số khu vực không ngừng tăng. Thị trường bất động sản đang sốt là đánh giá của rất nhiều nhà đầu tư trước diễn biến của kênh đầu tư hấp dẫn này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơn sốt đất này sẽ "sớm tàn" bởi thiếu đi cơ sở nền tảng. Cơn sốt đất cuối năm 2021 hình thành dựa trên niềm tin của nhà đầu tư về thị trường sau dịch. Tâm lý đổ tiền vào bất động sản gia tăng trước biến động của nền kinh tế và sự bấp bênh của các kênh đầu tư khác. Cộng thêm thông tin về quy hoạch, dự án lớn xuất hiện kéo theo cò đất đổ bộ, giá cả biến động, thị trường nóng sốt.
Ông Phan Việt Hoàng - Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) thẳng thắn chỉ ra cơn sốt đất cuối năm 2021 ở một số tỉnh thành mặc dù bề nổi có sự sôi động nhưng thiếu cơ sở nền tảng nên sẽ khó bền vững.
Ông Hoàng phân tích, cơn sốt đất năm 2021 cũng như những cơn sốt đất trước đó có nguyên nhân đến từ niềm tin lớn của các nhà đầu tư vào thị trường và do tác động của tin đồn dựa trên chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Các cơn sốt đất chỉ khác nhau về quy mô và địa bàn hoạt động.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia bất động sản Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội cho rằng mấu chốt của sốt đất là chiêu thức ra hàng và tăng giá của đội "cá mập". Ông Điệp cho hay theo quan sát, trên thị trường từ năm 2017 tới hiện tại, chiêu bài này được sử dụng đi, sử dụng lại. Vì lòng tham nên "cá mập" vẫn làm và người không có kinh nghiệm tiếp tục mắc bẫy. Nhưng nhìn chung, các cơn sốt đất chỉ diễn ra trong chu kỳ ngắn.
Ở góc độ quản lý nhà nước, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch.
Tại một số địa phương đã xảy ra các vụ việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra "bong bóng" hoặc các diễn biến bất thường khác.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tập trung tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông...
CAO NGUYÊN (LĐO)