Tuy khẳng định những thách thức trong năm 2024 là không nhỏ nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực sau Tết, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ… là những giải pháp để thị trường lao động năm nay bình ổn và phát triển.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương vừa cho biết năm 2024, các doanh nghiệp của tỉnh này dự kiến cần tuyển gần 54.000 lao động, tăng 9.000 lao động so với năm 2023, chủ yếu là lao động phổ thông.
Nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2024 của các doanh nghiệp tại Hải Dương tăng từ những ngày đầu năm mới và tăng hơn so với năm 2023 do đơn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm được cải thiện, mở rộng. Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, cơ khí…
Người lao động đã quay lại nhà máy bắt đầu công việc của năm mới |
Trong khi đó, tại "thủ phủ công nghiệp" phía Nam, tỉnh Bình Dương cũng đang cần khoảng 60.000 lao động cho năm 2024.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, năm 2024, toàn tỉnh có 8.000 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 60.000 lao động để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Một số ngành nghề mà Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn, như: công nghiệp chế biến thực phẩm; dệt may; da giày, sản xuất, sửa chữa lắp đặt móc máy, thiết bị công nghiệp điện điện tử; sản xuất sản phẩm từ gỗ, nhựa… cần khoảng 48.500 lao động.
Các ngành nghề khác cần 6.000 lao động gồm: vận tải kho bãi 300 người, dịch vụ lưu trú ăn uống cần 1.000 người, hoạt động tài chính - ngân hàng và bảo hiểm hơn 2.000 người.
TP HCM cần nhiều lao động của khối thương mại và dịch vụ |
Tại TP HCM, số liệu từ Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP HCM cho thấy nhu cầu nhân lực của thành phố trong quý I/2024 là khoảng 77.500 đến 86.000 lao động.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của TP HCM khác với 2 tỉnh Hải Dương và Bình Dương khi khu vực thương mại, dịch vụ cần nhiều lao động nhất (chiếm 72,63%), tiếp đến là khu vực công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản,...