Kinh tế

Giá cả thị trường

Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê hồi phục nhẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tuần qua (ngày 1/2 đến 6/2), giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định so với tuần trước. Cùng chung xu hướng ổn định mà mặt hàng tiêu, mặt hàng cà phê cũng đã có sự hồi phục nhẹ.

 Giá cà phê tiếp tục phục hồi. (Ảnh minh hoạ: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN)
Giá cà phê tiếp tục phục hồi. (Ảnh minh hoạ: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN)


Tuần qua (ngày 1/2 đến 6/2), giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định so với tuần trước. Cùng chung xu hướng ổn định mà mặt hàng tiêu. Tuy nhiên, mặt hàng cà phê sau khi quay đầu giảm giá vào tuần trước đã có sự hồi phục nhẹ.

*Thị trường Việt Nam

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định so với tuần trước. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.800 – 7.000 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng duy trì ổn định từ 6.900 – 7.100 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 từ 7.300 - 7.400 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.700 - 7.800 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang thì giữ ổn định. Giá gạo thường dao động ở mức 10.500 - 11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 15.00 - 16.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg,… tấm thường 12.500 đồng/kg, tấm thơm 13.500 đồng/kg.

Theo các thương lái, các mặt hàng như gạo ST 21, ST 25 nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết cao. Giá lúa gạo neo ở mức cao, thị trường giao dịch sôi động hơn. Hiện, thương lái và các nhà máy đều chờ nguồn cung từ vụ Đông Xuân.

Nhìn lại thị trường trong nước trong tháng 1, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên 6.800 đồng/kg; lúa OM 2514 tăng 100 đồng/kg lên 6.700 đồng/kg; lúa gạo thường ở mức 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản Jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 100 đồng/kg lên mức 7.300 – 7.400 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đồng/kg lên mức 7.500 – 7.800 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên 7.500 – 7.700 đồng/kg.

Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 tươi biến động có lúc giảm xuống 6.700 đồng/kg, sau tăng lên 6.900 đồng/kg; lúa khô tăng 100 đồng/kg lên 7.400 đồng/kg; lúa hạt dài tươi giữ ở mức 7.000 đồng/kg, lúa khô tăng 100 đồng/kg lên 7.700 đồng/kg.

Nông dân Bạc Liêu bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân, với lúa OM 5451 có giá 6.800 – 7.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 ở mức 6.700 – 6.900 đồng/kg, lúa ST24 có giá 7.000 – 7.500 đồng/kg.

Theo Diễn đàn của người làm cà phê, tuần qua giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên đã có sự hồi phục nhẹ. Giá cà phê ngày 6/2 dao động ở mức 31.100 – 31.700 đồng/kg, tăng từ 100 - 300 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá cà phê thấp nhất tại Lâm Đồng là 31.100 đồng, tăng 100 đồng so với tuần trước. Còn các các địa phương khác tăng 300 đồng/kg như: Gia Lai, Đắk Nông có giá là 31.600 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất là 31.700 đồng/kg.

Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.414 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.

Về mặt hàng tiêu, theo Tintaynguyen, tuần qua giá tiêu nhìn chung vẫn duy trì ổn định so với tuần trước. Giá tiêu ngày 6/2 trong khoảng 51.000 – 53.000 đồng/kg, tương đương so với cuối tuần trước.

Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa – Vũng Tàu là 53.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 51.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu ở mức thấp nhất là 51.000 đồng/kg.

Vụ thu hoạch tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên đang bị chậm lại nửa tháng. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Gia Lai lại là 1 trong các tâm dịch khiến mọi hoạt động giao thương và đặc biệt nhu cầu tiêu dùng người dân dịp Tết giảm hẳn. Người trồng không vội vã mà để hàng lại chờ được giá. Tâm lý nghe ngóng khiến giá tiêu dùng dằng đi ngang mấy tuần nay.

Dự kiến, phải sau 20/2 hàng vụ mới sẽ xuất hiện trên thị trường. Từ nay cho đến lúc đó, giá tiêu được dự đoán vẫn sẽ ổn định, đi ngang như hiện nay.

* Thị trường thế giới

 Trên thị trường gạo châu Á, nhu cầu mạnh mẽ từ khắp châu Á và châu Phi đã đưa giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ lên mức cao nhất ba năm trong tuần này, trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn trong việc vận chuyển khi giá vận chuyển tăng cao do thiếu container.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 402-408 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.

Ngoài các khách truyền thống, Trung Quốc và Việt Nam cũng đang mua gạo từ Ấn Độ, cho thấy nhu cầu gạo đang rất lớn. Nước láng giềng Bangladesh, vốn đang phải vật lộn với nguồn cung hạn chế, cũng đã mua hơn 110.000 tấn gạo từ Ấn Độ và con số này có thể tăng cao hơn nữa.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 500-505 USD/tấn. Năm 2020, gạo là một trong số ít mặt hàng nông sản xuất khẩu thành công. Tuy vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam lại giảm nhẹ trong đầu năm 2021.

Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/2, trong đó giá lúa mì đi lên, còn giá ngô và đậu tương đồng loạt giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2021 giảm 1,5 xu Mỹ, tương đương 0,27%, xuống 5,485 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng hạ 5,75 xu Mỹ (0,42%), xuống 13,6675 USD/bushel. Tuy nhiên, giá lúa mì giao tháng 3/2021 lại tăng 3,75 xu Mỹ (0,59%), lên 6,4125 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết, giá ngô kỳ hạn giảm do xu hướng bán ra chốt lời, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tăng cao hơn nhờ nguồn tiền mặt ổn định và nhu cầu nguyên liệu thô đối với lúa mì vụ mới ở một số khu vực của Chicago.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo rằng, nước này đã bán 101.600 tấn ngô niên vụ 2020-2021, song không tiết lộ cụ thể điểm đến của lô hàng này.

Mỹ đã xuất khẩu lượng đậu tương kỷ lục trong mỗi tháng kể từ tháng 8/2020. Xuất khẩu đậu tương của Mỹ trong tháng 1/2021 cũng ở mức cao kỷ lục mới.

Xu hướng mua nông sản của Trung Quốc tăng khá mạnh kể từ tháng 7/2020 và không có dấu hiệu chậm lại vào đầu năm 2021. AgResource dự kiến Trung Quốc sẽ mua khoảng 43,5 tỷ USD nông sản của Mỹ vào năm 2021, dựa trên mức giá hiện tại, có thể ước tính tương đương 44 - 47 triệu tấn đậu tương Mỹ và 24 - 28 triệu tấn ngô.

Thống kê của Chính phủ Canada ước tính, dự trữ lúa mì của nước này trong tháng 12/2020 ở mức 24,8 triệu tấn, giảm 100.000 tấn so với cùng kỳ năm 2019.

Dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa trên mức trung bình sẽ đổ xuống toàn bộ miền Bắc Brazil vào ngày 5/2 và sẽ kéo dài đến cuối tháng Hai. Những ngày mưa /nhiều mây sẽ làm chậm việc thu hoạch nông sản trên khắp khu vực Mato Grosso. Trong khi đó, toàn bộ Argentina và hầu hết khu vực phía Nam Brazil lại được dự báo thời tiết khô hạn.

Về thị trường cà phê thế giới: giá cà phê đồng loạt tăng trong phiên 5/2. Theo đó, giá cà phê robusta tại London giao tháng 3/2021 đạt mức 1.345 USD/tấn sau khi tăng 0,15% (tương đương 2 USD) so với phiên trước đó. Trong khi giá cà phê Arabica giao tháng 3/2021 tại New York ổn định với mốc 124,05 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,4535 kg).

Tiêu thụ cà phê thế giới đã tăng khoảng 2% mỗi năm trong vòng 5 năm liên tiếp. Đến năm 2020, thị trường cà phê lại bị "giáng một đòn nặng nề" bởi sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những vấn đề liên quan đến hoạt động đi lại.

Giờ đây, nhu cầu bắt đầu có triển vọng phục hồi khi các hạn chế trong lĩnh vực du lịch, khách sạn được nới lỏng và tiêu dùng được cải thiện. Tuy nhiên, sản lượng cà phê của Brazil dự kiến sẽ giảm đáng kể.

Theo dự báo, thị trường cà phê thế giới sẽ ghi nhận thiếu hụt nguồn cung trong niên vụ 2021 - 2022. Do đó, khả năng cao là giá cà phê sẽ tăng nhẹ, đặc biệt là trong nửa cuối năm nay.

Theo Bích Hồng – Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm