Kinh tế

Giá cả thị trường

Thị trường nông sản tuần qua: Giá càphê, tiêu tăng mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá càphê ngày 27/2 dao động ở mức 32.400-32.900 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg. Trong tuần, thậm chí có thời điểm giá càphê đã lên vượt mốc 33.000 đồng/kg.

(Ảnh: Hoàng Cao Nguyên/TTXVN)
(Ảnh: Hoàng Cao Nguyên/TTXVN)


Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì ở mức cao, một số địa phương tăng nhẹ.

Nhiều địa phương có giá lúa cao kỷ lục nên nông dân rất phấn khởi vì có lợi nhuận khá. Cùng với đó, mặt hàng càphê và tiêu cũng có sự tăng giá khá cao.

Thị trường trong nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh trong tuần qua nhìn chung có xu hướng tăng nhẹ từ 100-200 đồng/kg.

Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 7.000-7.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng tăng từ 100-200 đồng/kg, đạt từ 7.000-7.200 đồng/kg; các loại lúa chất lượng cao như lúa Nhật đạt 7.800-8.000 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 từ 7.200-7.500 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang thì giữ ổn định. Giá gạo thường dao động ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo Jasmine 16.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg,… tấm thường 12.500 đồng/kg, tấm thơm 13.500 đồng/kg.

Còn giá gạo nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu giảm nhẹ. Gạo nguyên liệu IR50404 ở mức 10.150 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; giá gạo thành phẩm IR50404 là 11.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Giá tấm ổn định ở 9.900 đồng/kg; giá cám vàng 7.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, có một số địa phương thu hoạch lúa Đông Xuân đầu vụ. Với giá bán cao nhất từ trước tới nay, nông dân Hậu Giang bước vào mùa thu hoạch với niềm vui lớn.

Theo nông dân, vụ Đông Xuân 2020-2021 gặp thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, nước lũ năm 2020 cao hơn mọi năm, nên đất nhận được nhiều phù sa. Do đó, năng suất vụ Đông Xuân năm nay tăng từ 300-400 kg/công (1.000 m2) so với vụ Đông Xuân 2019-2020.

Hiện giá lúa được thương lái thu mua dao động từ 6.000-7.000 đồng/kg tùy giống lúa. Cụ thể, lúa giống IR 50404 có giá 6.000 đồng/kg, giống OM 5451 là 6.400 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 và OM 18 có giá 6.500 đồng/kg, giống RVT trên 7.000 đồng/kg. Giá lúa bình quân cao hơn cùng kỳ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Tại Cà Mau, hiện giá lúa được thu mua tại ruộng dao động từ 6.400-6.500 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ 1.300-1.500 đồng/kg. Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là rất quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, do đó, các dòng gạo ST24, ST25 rất được ưa chuộng.

Hiện, chỉ tính riêng giá lúa ST25 được sản xuất trên đất lúa-tôm tại địa phương đã được thu mua trên mức 9.000 đồng/kg, trong khi số lượng lúa rất có hạn. Bên cạnh đó, giá lúa ST24 cũng tăng cao, bình quân tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg so với năm trước.

Theo Diễn đàn của người làm càphê, giá càphê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua tăng khá mạnh so với cuối tuần trước. Giá càphê ngày 27/2 dao động ở mức 32.400-32.900 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg. Trong tuần, thậm chí có thời điểm giá càphê đã lên vượt mốc 33.000 đồng/kg.

Giá càphê thấp nhất tại Lâm Đồng là 32.400 đồng/kg. Còn các địa phương khác như: Gia Lai, Đắk Nông có giá 32.800 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất 32.900 đồng/kg.

Giá càphê tăng do lạc quan về giá thế giới và nguồn cung hạn chế khi nông dân giữ hàng với hy vọng giá có thể tăng tiếp.

Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.523 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.

Về mặt hàng tiêu, sau khoảng thời gian dài trầm lắng, ngay tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán thị trường hồ tiêu nội địa đã sôi động trở lại. Những ngày gần đây, giá tiêu liên tiếp tăng nhẹ tại các địa phương đang là tín hiệu tốt cho người nông dân.

Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, giá tiêu tuần qua đã có sự tăng khá mạnh.

Theo Tintaynguyen, giá tiêu ngày 27/2 trong khoảng 53.000-55.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa-Vũng Tàu là 55.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 54.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu ở mức thấp nhất là 53.000 đồng/kg.

Hồ tiêu vào mùa thu hoạch, nên việc tìm kiếm nhân công hái tiêu cũng gặp nhiều khó khăn, tiền công cao khiến nhiều nhà vườn trong cảnh tiêu chín đỏ trên cây, rụng đen đầy gốc và thua lỗ nặng.

Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vụ này họ chỉ lấy công làm lãi.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hiện diện tích trồng hồ tiêu đang khoảng 11.000 ha, giảm gần 2.000 ha so với năm 2019. Vụ tiêu năm nay, năng suất hầu hết các vườn đều giảm trên 50% so với năm 2020. Một phần, do vài năm trở lại đây, các vườn tiêu không được chăm sóc tốt, cộng với thời tiết không thuận lợi khiến năng suất tiêu không cao.

Thị trường thế giới

Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đồng loạt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/2, đặc biệt là lúa mỳ.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2021 giảm 2,25 xu Mỹ, tương đương 0,41%, xuống 5,475 USD/bushel, còn giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng hạ 3,25 xu Mỹ (0,23%), xuống 6,6025 USD/bushel.

Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 5/2021 giảm 15,5 xu Mỹ (2,29%), xuống 14,0425 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

 

 Thu hoạch lúa mỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thu hoạch lúa mỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Công ty nghiên cứu AgResource (Mỹ) cho hay hợp đồng giao dịch kỳ hạn ngô, đậu nành và lúa mỳ đều chịu áp lực giảm dần vào cuối tháng giao dịch.

Trong tuần qua, giá ngô CBOT giao ngay tăng 9 xu Mỹ, đậu nành giao ngay tăng 14 xu Mỹ và lúa mỳ tăng 13 xu Mỹ. Mỹ có lượng ngô lớn đã được bán và dự kiến sẽ được xuất khẩu trong những tháng tới.

Thị trường giao dịch ngô và lúa mỳ ở Liên minh châu Âu vẫn tăng hàng ngày trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt.

Trong khi đó, sản lượng đậu tương ở Brazil đã được cải thiện trong những ngày gần đây và AgResource nâng dự báo vụ mùa của nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ lên 129,9 triệu tấn.

Dự báo thời tiết khu vực Nam Mỹ ngày 28/2 sẽ rất quan trọng đối với giao dịch CBOT trong tuần tới, trước thời điểm báo cáo “Ước tính cung và cầu nông nghiệp thế giới” dự kiến được đưa ra vào ngày 9/3.

Thị trường ngô Mỹ đang đợi những bằng chứng cụ thể về lượng hàng tàu hàng chuyển đến Trung Quốc.

AgResource nhận định vẫn lạc quan về quan điểm dài hạn đối với thị trường nông sản, tuy nhiên sự biến động của thị trường sẽ tiếp tục kéo dài đến mùa Xuân tại Bắc bán cầu.

Về thị trường cà phê thế giới, giá càphê đồng loạt giảm trong phiên 26/2. Theo đó, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2021 giảm 3 USD, xuống mức 1.473 USD/tấn, và kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 5 USD, xuống 1.490 USD/tấn. Khối lượng giao dịch cao trên mức trung bình.

Trong khi giá cà phê Arabica giao tháng 5/2021 tại New York cũng có xu hướng đi xuống với giá giao tháng 5/2021 giảm  2,55 xu Mỹ, xuống 137,5 xu Mỹ/pound, còn giá giao kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 2,55 xu Mỹ xuống còn 139,3 xu Mỹ/pounce (1 pound = 0,4535 kg).

Hiện dự báo dư cung càphê Robusta vụ mới của Brazil và Ấn Độ đang ghìm giữ giá của mặt hàng cà phê này trên thế giới.

Trong khi đó, đồng real của Brazil giảm mạnh 1,65 %, xuống mức 1 USD đổi được 5,6020 real, mức thấp kể từ ngày 04/11/2020 sau tác động tiêu cực của ngoại hối lên các đồng tiền mới nổi do lãi suất trái phiếu dài hạn Mỹ tiếp tục tăng cao, trong khi vẫn còn nguyên mối lo về sự can thiệp của chính phủ liên bang Brazil vào các công ty quốc doanh đã nảy sinh những bất đồng.

Giá càphê điều chỉnh giảm cuối tuần không chỉ do các giới đầu cơ cân đối các lô hàng và chốt lời ngắn hạn mà còn do đồng real tiếp tục suy yếu đã tạo động lực cho Brazil bán hàng xuất khẩu.

Theo Bích Hồng-Q.Chung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm