(GLO)- Thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 trở nên sôi động khi sức mua bắt đầu tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng bia rượu, bánh mứt, đồ hộp, thực phẩm khô.
Nhu cầu mua sắm tăng
Ông Bùi Kim Truyền-Phó Trưởng ban phụ trách Trung tâm Thương mại Pleiku-cho biết: “Mấy ngày qua, lượng người đến mua sắm tại đây bắt đầu tăng mạnh. Qua nắm tình hình cho thấy, lượng hàng dự trữ của các hộ kinh doanh chỉ bằng một nửa so với các mùa Tết trước do dự báo sức mua giảm bởi dịch bệnh. Hiện nhu cầu tăng mạnh ở nhóm hàng đồ khô, quần áo, giày dép. Càng gần Tết thì tăng mạnh ở nhóm thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống”.
Dự báo tình hình mua sắm bánh mứt tiếp tục tăng mạnh vào những ngày cận Tết. Ảnh: Vũ Thảo |
Trong khi đó, bà Trương Thị Bửu-đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Tam Ba-cho hay: Dịp Tết năm nay, Công ty đã chuẩn bị hàng trăm loại bánh kẹo, mứt, rượu bia để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Cửa hàng mở bán từ đầu tháng Chạp nhưng sức mua chỉ bắt đầu tăng mạnh khoảng 1 tuần nay. Tuy nhiên, giá trị trên mỗi đơn hàng giảm rất nhiều. Còn về giá cả thì các mặt hàng gần như không tăng, một số loại tăng nhẹ 5-10%. “Năm nay, chúng tôi chỉ nhập số lượng cầm chừng, bán hết đến đâu chêm hàng đến đó. Ban đầu dự báo hàng sẽ chậm, nhưng những ngày càng gần Tết thì sức mua lại tăng đáng kể. Năm nay, dự kiến hàng phục vụ Tết sẽ hết sớm”-bà Bửu nói.
Theo ghi nhận của P.V, từ 15 tháng Chạp đến nay, tại các cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn thị xã An Khê, tình hình mua bán diễn ra nhộn nhịp hơn rất nhiều. Hàng hóa đa dạng mẫu mã, chủng loại được bày bán để phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân. Chị Nguyễn Thị Nhi Khoa (tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) bộc bạch: “Tôi tranh thủ buổi tối đưa con cái đi mua sắm một số đồ dùng, quần áo và bánh mứt. Năm nay, hàng hóa đa dạng, phong phú mẫu mã chủng loại nhưng giá cả thì có cao hơn chút”.
Tại huyện Kbang, không khí mua sắm Tết cũng đã bắt đầu nhộn nhịp hơn. Chị Lê Thị Cẩm Như-chủ cơ sở sản xuất mắc ca Minh Quang (thị trấn Kbang) chia sẻ: “Năm nay, tôi nhập thêm một số loại hạt về bán và dự trữ hơn 30 tấn mắc ca, nhiều hơn năm trước khoảng 10 tấn. Giá hạt bí, hạt dưa 180 ngàn đồng/kg; hạnh nhân, hạt điều là 260 ngàn đồng/kg; hạt dẻ hơn 200 ngàn đồng/kg... Còn hạt mắc ca bình quân khoảng 190 ngàn đồng/kg, giảm 40 ngàn đồng/kg so với năm trước”.
Khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng
Bên cạnh cam kết giữ ổn định giá, một số siêu thị, cửa hàng cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng quần áo, thực phẩm công nghệ, bánh mứt nhằm kích cầu tiêu dùng. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: “Năm nay, Siêu thị lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ Tết khoảng 100 tỷ đồng. Với mức dự trữ này, hàng hóa tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu và các loại hàng đặc trưng Tết. Nhằm kích cầu tiêu dùng cũng như hỗ trợ khách hàng mua sắm tiết kiệm, chúng tôi đang thực hiện chuỗi chương trình giảm giá lớn cho hàng ngàn sản phẩm tiêu dùng và phục vụ Tết với mức giảm lên đến 50%”.
Hộ kinh doanh chấp hành nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch. Ảnh: Vũ Thảo |
Tổng trị giá hàng hóa dự trữ trên địa bàn tỉnh khoảng 16.150 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với bình quân các tháng trong năm. Riêng tháng 1-2022, dự báo nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 30% nên lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ đạt khoảng 9.100 tỷ đồng. |
Tương tự, ông Trần Đình Lê-Giám đốc Siêu thị VinMart Pleiku-cho biết: “Siêu thị dự trữ lượng hàng hóa với trị giá hơn 20 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với Tết năm ngoái. Riêng mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết, Siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ khoảng 3 tỷ đồng. Để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ khách hàng mua sắm, chúng tôi đang áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá 10-40% đối với nhiều mặt hàng thiết yếu, cùng việc áp dụng chương trình tích điểm giúp khách hàng mua sắm tiết kiệm hơn”.
Tính đến thời điểm này, lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị, cơ sở kinh doanh đã nhập về tiêu thụ tương đối tốt. Sở Công thương đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc, vận động các siêu thị, doanh nghiệp đầu mối tích cực đưa những ngành hàng thiết yếu, trong đó có bánh mứt theo phương thức bán hàng lưu động và phân phối cho các hệ thống bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, lực lượng Quản lý Thị trường cũng tích cực kiểm tra, kiểm soát hàng hóa. Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh-nhận định: Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thường tăng mạnh vào trước Tết khoảng 10 ngày, tập trung vào các mặt hàng như: bánh kẹo, mứt, thuốc lá, bia rượu, thực phẩm công nghệ… Do đó, các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát những điểm mua bán, tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, chợ dân sinh, cơ sở sản xuất kinh doanh. Chú trọng kiểm tra hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
VŨ THẢO - NGỌC MINH